Gia Lai: Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả tại huyện Mang Yang

Các mô hình giảm nghèo ở huyện Mang Yang đã phát huy được vai trò quan trọng giúp người dân nâng cao đời sống và khẳng định hướng đi đúng trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Trang trại nuôi Dúi của Cự chiến binh Nguyễn Thị Biểu, trú tại thôn 2, xã Ayun, huyện Mang Yang. (Ảnh: Hoài Nam-Xuân Huy/Vietnam+)

Mục tiêu giảm nghèo bền vững là ưu tiên hàng đầu tại các địa phương của tỉnh Gia Lai.

Cụ thể, tại huyện Mang Yang, địa phương đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả kết hợp với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình "5+1" - Giải pháp hiệu quả giúp hội viên cựu chiến binh thoát nghèo

Tại xã Ayun, huyện Mang Yang, Hội Cựu chiến binh xã đã triển khai thành công mô hình "5+1," nghĩa là 5 cựu chiến binh khá, giàu giúp 1 cựu chiến binh nghèo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khi giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Chín, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn 2, xã Ayun, huyện Mang Yang, cho biết Chi hội hiện có 31 thành viên, trong đó 25 thành viên có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi và trồng cây lâu năm như hồ tiêu, càphê…

Thông qua các thành viên này, Chi hội đã phân công giúp đỡ và hỗ trợ cho 6 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Ngoài ra, Chi hội còn sử dụng nguồn quỹ khoảng 200 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn mở rộng sản xuất.

Điển hình là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Biểu (trú tại thôn 2, xã Ayun, huyện Mang Yang) vẫn thuộc diện hộ nghèo sau 24 năm thoát nghèo. Nhờ khoản vay 15 triệu đồng không tính lãi từ Hội Cựu chiến binh, gia đình bà đã đầu tư mua một con bò sinh sản và một đàn gà. Chỉ sau một thời gian chăm sóc, gia đình đã có thêm một con bê và đàn gà phát triển tốt, mang lại nguồn thu ổn định.

Không dừng lại ở đó, bà Biểu quyết tâm vay thêm 11 triệu đồng có tính lãi từ Chi hội cựu chiến binh thôn 2 để đầu tư xây dựng trang trại nuôi Dúi. Hiện gia đình bà Biểu đã cho thêm thu nhập từ việc bán Dúi thịt và con giống.

“Gia đình tôi là một trong hai hộ hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chi hội cựu chiến binh thôn 2. Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi không có vốn để phát triển kinh tế dẫn đến cuộc sống bấp bênh, khó khăn kéo dài. Từ khi được vay vốn và sự hỗ trợ từ các Cựu chiến binh trong chi hội, gia đình tôi đã từng bước ổn định cuộc sống," bà Nguyễn Thị Biểu chia sẻ thêm.

Anh Lê Doãn Điệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ayun, huyện Mang Yang, khẳng định mô hình "5+1" đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã sẽ nhân rộng mô hình này để giúp cuộc sống của các hội viên ngày càng sung túc, ấm no, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, nơi từng là vùng căn cứ cách mạng, hiện có 130 hộ với hơn 500 nhân khẩu, 100% là người Ba Na định cư từ lâu đời. Sau ngày giải phóng, làng Pờ Yầu đã nhận được nhiều chương trình, chính sách đầu tư từ Nhà nước. Nhờ đó, chính quyền địa phương đã lồng ghép triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Anh Tèo, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn làng Pờ Yầu, cho biết thời gian qua, chính quyền các cấp đã hỗ trợ cho người dân trong làng nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, điển hình là các dự án chăn nuôi, trồng càphê, trồng lúa,...

Anh Đinh Driu, một thanh niên ở làng Pờ Yầu cho biết năm 2019, anh được tham gia lớp học nghề trồng lúa. Sau khi kết thúc khóa học, chàng thanh niên trẻ này đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa nước 2 vụ và chuyển đổi gần 1 ha đang trồng mỳ sang trồng cây càphê.

Đến nay, điều kinh kinh tế của gia đình anh Driu ngày càng trở nên khấm khá hơn. Bằng kinh nghiệm và kiến thức làm giàu của mình, anh còn giúp bà con trong làng chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa và càphê.

Làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang đổi thay nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Hoài Nam-Xuân Huy/Vietnam+)

Các mô hình giảm nghèo ở huyện Mang Yang đã phát huy được vai trò quan trọng giúp người dân nâng cao đời sống và khẳng định hướng đi đúng trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mang Yang, chia sẻ địa phương luôn chú trọng xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp tăng cường giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Qua rà soát mới nhất, năm 2024, toàn huyện Mang Yang giảm trên 500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tương đương giảm hơn 3,2%, vượt kế hoạch tỉnh giao và vượt so với Nghị quyết của Huyện ủy Mang Yang là bình quân mỗi năm giảm 2%/năm hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 9,7%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15% số hộ dân tộc thiểu số toàn huyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục