Gia Lai: Người dân bức xúc vì ô nhiễm, chính quyền thờ ơ

Mặc dù hoạt động sản xuất của một số nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất, chế biến gỗ... gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chính quyền các cấp tại Pleiku lại rất thờ ơ.
Gia Lai: Người dân bức xúc vì ô nhiễm, chính quyền thờ ơ ảnh 1Xưởng sản xuất, chế biến gỗ cao su ngày đêm xả khói, bụi, tiếng ồn... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, hàng chục nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất, chế biến gỗ, càphê "vô tư" thải khói, bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường của người dân.

Trong khi người dân sống tại các khu vực bị ô nhiễm nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn khẳng định "không nhận được kiến nghị của người dân về việc ô nhiễm môi trường."

Gia đình anh Đào Viết Mạnh - hộ sống gần hai điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng là Công ty chế biến gỗ Sơn Dương và Nhà máy sản xuất càphê Hoa Trang (thuộc tổ dân phố 2, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku), đã rất nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp tổ dân phố, tiếp xúc cử tri về thực trạng ô nhiễm trên. Tuy nhiên, đến nay, gia đình anh vẫn phải sống trong tình cảnh ô nhiễm mùi hôi, khói bụi.

"Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên phường nhưng được một hai ngày là họ (các đơn vị sản xuất) lại hoạt động trở lại. Bao năm nay rồi có giải quyết được đâu," anh Mạnh bức xúc.

Có mặt tại các "điểm nóng" về ô nhiễm trên, phóng viên ghi nhận mùi hôi phát ra từ Công ty chế biến gỗ Sơn Dương và bụi từ Nhà máy sản xuất càphê Hoa Trang. Vì khu vực các hộ dân sống nằm gần các khu sản xuất, đón hướng gió thổi nên mùi hôi, bụi từ hoạt động sản xuất của các nhà máy này thổi thẳng vào nhà dân.

[Thanh Hóa: Dừng hoạt động với công ty xả thải gây ô nhiễm sông Tràng]

Đặc biệt, hoạt động sấy, hấp gỗ cao su của Công ty chế biến gỗ Sơn Dương còn sản sinh ra một lượng khói lớn, hệ thống thoát khói thấp khiến khói tỏa vào các khu dân cư lân cận.

Ngoài ra, hoạt động cưa xẻ gỗ cũng tạo ra tiếng ồn lớn khiến việc sinh hoạt, học tập của các em học sinh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Mặc dù hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chính quyền các cấp tại thành phố Pleiku lại rất thờ ơ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku Võ Phúc Ánh, thời điểm năm 2019, qua phản ánh của một số hộ dân thì có một số vị trí như Công ty chế biến gỗ 30/4 (phường Thắng Lợi), Công ty chế biến gỗ Sơn Dương (phường Chi Lăng), Nhà máy sản xuất cà phê Hoa Trang (phường Chi Lăng)… trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đã phát sinh chất thải, bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh khu dân cư.

Đến nay, qua kiểm tra thực tế, các cơ sở hoạt động kinh doanh đã có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định như giấy phép hoạt động kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường... Hệ thống xử lý chất thải, bụi, tiếng ồn đã được đầu tư xây dựng đảm bảo việc xử lý đạt mức cho phép theo quy định.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố không nhận được kiến nghị của người dân về việc ô nhiễm môi trường.

Để tìm hiểu thêm về các biện pháp của chính quyền địa phương trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Chi Lăng Lê Giang Sơn. Tuy nhiên, lấy lý do bận công tác, ông Sơn từ chối làm việc.

Người dân sống tại tổ dân phố 2, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku và khu vực lân cận mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục