Địa bàn rộng, dân cư thưa, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại khu vực biên giới huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn.
Để hoàn thành nhiệm vụ, công an các xã biên giới đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động người dân địa phương tự giác giao nộp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Theo Trung tá Đỗ Giang Nam, Trưởng Công an xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, Công an xã thường xuyên phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan tranh thủ tiếp xúc các già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo ở địa phương.
Tại các buổi gặp, cán bộ công an xã phổ biến quy định của pháp luật và tác hại tiềm ẩn từ vũ khí, vật liệu nổ để đội ngũ người uy tín, chức sắc tôn giáo lồng ghép vào buổi sinh hoạt, họp thôn, làng tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Ông Rơ Châm Míu, Trưởng điểm nhóm Tin Lành miền Nam Việt Nam làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ chia sẻ nắm được kiến thức pháp luật, ông thường xuyên tuyên truyền để người dân chấp hành.
Việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ gây hại cho bản thân, gia đình, đặc biệt trường hợp bị kích động người dân dễ dàng gây án. Nhờ đó đến nay, bà con làng Nú luôn ý thức và chấp hành tốt pháp luật.
Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an các xã biên giới với các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đạt được những kết quả khả quan.
Tính từ đầu năm đến nay, người dân đã giao nộp cho công an các xã biên giới huyện Đức Cơ 2 khẩu súng hơi, 36 khẩu súng tự chế, 22 vũ khí thô sơ, 5 công cụ hỗ trợ và một số vật liệu nổ, linh kiện lắp ráp…
[Đắk Lắk: Vận động giao nộp vũ khí, bảo vệ bình yên trong mỗi buôn làng]
Công an xã xử lý kịp thời một số trường hợp vi phạm. Mới đây, một thiếu niên trú ở thôn Mooc Trang, xã Ia Dom mua một khẩu súng tự chế với giá 300.000 đồng sử dụng để săn bắn chim thú.
Hành vi của thiếu niên này đã bị công an viên thôn Mooc Trang phát hiện và yêu cầu đến Công an xã Ia Dom giao nộp khẩu súng. Đại diện gia đình đã ký cam kết quản lý con em mình, không để tái phạm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Duy, Phó trưởng Công an xã Ia Dom cho biết công an xã và chính quyền cơ sở đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động đến người dân và đã phát huy hiệu quả cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên mua các linh kiện được rao bán trên mạng xã hội để lắp ráp súng tự chế. Công an xã xác minh làm rõ 2 vụ việc, bàn giao cho Công an huyện xử lý theo quy định.
Công an ba xã biên giới của huyện Đức Cơ gồm Ia Dom, Ia Pnôn và Ia Nan tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, cùng sự giúp đỡ của hơn 20 già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Lực lượng công an các xã tổ chức buổi họp mặt, tọa đàm, thi đua yêu nước; phát hành tờ rơi, áp phích, băngrôn; lắp đặt loa phát thanh tại điểm trọng yếu… để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bà con trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Đây là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới.
Theo Công an tỉnh Gia Lai, Luật Quản lý, Sử dụng Vũ khí, Vật liệu Nổ, công cụ hỗ trợ được thực hiện hiệu quả tại địa phương trong suốt 5 năm qua.
Lực lượng công an tuyên truyền, vận động rộng rãi, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân có nhiều cách làm sáng tạo như: tổ chức “Điểm đổi gạo lấy vũ khí,” hỗ trợ tiền, vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm nhận lại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Nhờ đó, 5 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 169 vụ, 226 đối tượng vi phạm, thu hồi trên 6.000 khẩu súng, hơn 7.000 đạn, đầu đạn, thu giữ 2.000 vũ khí thô sơ và 2.500 công cụ hỗ trợ./.