Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, từ năm 2020 đến tháng 9/2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đa dạng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 4.743 khẩu súng (78 súng quân dụng, 12 súng thể thao, 4.665 súng tự chế), 7.176 viên đạn các loại, 3.521 công cụ hỗ trợ, 5,5kg thuốc nổ, 1.270 kíp nổ, 1.352 vũ khí thô sơ, 450 linh kiện vũ khí các loại.
Đặc biệt, sau vụ “tấn công khủng bố chống chính quyền nhân dân” xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, tình trạng cất giữ, chế tạo, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong người dân vẫn còn phức tạp.
Một số ít trường hợp không tự giác giao nộp, lén lút cất giấu, sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Mới đây, ngày 22/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng."
Căn cứ hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt mức án 5 năm tù đối với các bị cáo: Đỗ Triều Hiển (sinh năm 2005, trú tại thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, Gia Lai), Võ Chí Trung (sinh năm 1999, trú tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 2003, trú tại tổ 3, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai).
Các bị cáo còn lại nhận các mức án thích đáng tương ứng với hành vi phạm tội gồm: Vũ Văn Mạnh (sinh năm 2003, trú tại thôn Nhân Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, Gia Lai) 3 năm 8 tháng tù; Nguyễn Ân Trọng Nghĩa (sinh năm 2005, trú tại thôn Đồng Tâm 1, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, Gia Lai) 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Phi Thường (sinh năm 1995, trú tại thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, Gia Lai) 16 tháng tù; Eric Puish (sinh năm 2004, trú tại làng Đê, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, Gia Lai) 15 tháng tù.
Riêng Phạm Thị Thúy Kiều (sinh năm 2006, trú tại thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, Gia Lai) bị tuyên 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.”
Theo Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, qua theo dõi kết quả điều tra các vụ án về vũ khí, vật liệu nổ cho thấy, phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ hiện nay.
Tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ diễn ra trên địa bàn rộng, cấu kết chặt chẽ thành đường dây với nhiều tầng nấc trung gian, nổi lên là hoạt động lợi dụng mạng internet và dịch vụ bưu chính, vận chuyển hàng hóa để chế tạo, mua bán linh kiện chế tạo súng.
Nhóm tội phạm này thường gắn liền với tội phạm xâm phạm về sức khỏe, tính mạng con người...
Gia Lai: Người dân biên giới tích cực giao nộp vũ khí, vật liệu nổ
Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện xu hướng kết hợp giữa nhóm tội phạm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ với các tội phạm về ma túy, chống người thi hành công vụ, hình sự và tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng; củng cố, kiện toàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh.
Các địa phương chú trọng phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, người uy tín và quần chúng nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí quân dụng, vật liệu nổ.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tăng cường quan hệ phối hợp giữa với lực lượng an ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp trong tiếp nhận, điều tra, xác minh tin báo về tội phạm, vụ án liên quan về vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, xử lý nghiêm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn./.