Sau khi Thông tấn xã Việt Nam có bài viết "Báo động tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải tại Gia Lai," các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân xử lý vấn nạn xe quá khổ, quá tải. Song song với công tác tuyên truyền, nhắc nhở đối với các chủ xe, tài xế, lực lượng chức năng cũng kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nặng về tải trọng, quá khổ.
Biết vi phạm… vẫn làm
Bước vào mỗi vụ ép mía mới, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai triển khai nhiều giải pháp xử lý tình trạng quá khổ, quá tải đối với các phương tiện chở mía. Đối với nhà máy thu mua nguyên liệu, lực lượng chức năng ký cam kết không cấp phiếu cho các trường hợp chở quá khổ, quá tải.
Còn đối với các chủ phương tiện, tài xế cũng ký cam kết chấp hành nghiêm tải trọng và khổ thùng xe. Tuy nhiên, vì nhiều lí do nên hầu hết các tài xế, chủ phương tiện vẫn không chấp hành các quy định về khổ - tải trọng.
Theo nhiều tài xế, việc chở quá khổ, quá tải đối với họ là "bắt buộc," vì thời điểm hiện tại giá dầu ở mức cao, trong khi giá cước vận chuyển 1 tấn mía lại thấp. Vì thế, dù biết vi phạm quy định về an toàn giao thông, nhiều tài xế, chủ phương tiện vẫn thực hiện cơi nới thùng xe, chở quá tải.
Tài xế Phạm Văn Kiểu, làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đăk Pơ, lí giải, hiện nay giá dầu cao, chi phí vận chuyển lại thấp nên chúng tôi phải chở quá tải. Dù biết vi phạm nhưng vẫn phải chở thêm để bù cho giá dầu.
Bên cạnh đó, lí do ruộng mía nằm ở xa, khó đi lại cũng được nhiều tài xế đưa ra để lí giải cho việc chở quá khổ, quá tải. "Ruộng mía ở xa, chở một chuyến thì dư mà chở hai chuyến lại không đủ để bù lại cho giá cước vận chuyển. Vì thế, vẫn phải chất thêm tải để bớt tiền vận chuyển cho người dân"- tài xế Võ Thành Tâm, tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, cho biết.
Khu vực Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch mía. Người dân cũng như các nhà máy đều đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, thu mua trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.
Vì vậy, trên các tuyến quốc lộ 19, 25, đường Trường Sơn Đông và các tuyến tỉnh lộ 662, 667, 669, xuất hiện tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải về các nhà máy đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp.
[Gia Lai: Báo động tình trạng xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải]
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Trước vấn nạn xe chở mía quá khổ, quá tải, các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng xe quá khổ, quá tải, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật đến các chủ phương tiện, tài xế và nhà máy; ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng, khổ xe.
Thiếu tá Nguyễn Bảo Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông thị xã An Khê cho biết: Chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng, khổ xe qua kiểm tra cân; chỉ đạo các tổ tăng cường công tác tuần tra tuyến đường nội thị, tỉnh lộ, liên huyện… để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chỉ trong những ngày đầu tháng 1/2022, Công an thị xã đã cho các lái xe, chủ xe ô tô tải chở mía, mì, viết cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải, phát tờ rơi cho 462 trường hợp. Đặc biệt, qua công tác kiểm soát, lực lượng đã phát hiện và lập biên bản 11 trường hợp quá tải, xử phạt gần 34 triệu đồng.
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông, các đội Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, cũng kiên quyết bố trí các đội cân lưu động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2021, lực lượng Thanh tra giao thông đã xử phạt 21 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 110 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn xe chở hàng quá khổ, quá tải là vấn đề không hề dễ dàng. Bởi, khi bước vào cao điểm vụ ép, số lượng xe tải tăng cao, hoạt động trên địa bàn rộng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 tại các địa phương đang diễn biến phức tạp, các lực lượng phải tham gia công tác phòng, chống dịch nên gặp không ít khó khăn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, khi phát hiện lực lượng chức năng đặt trạm cân để kiểm tra tải trọng, tài xế thường dừng xe hoặc chuyển hướng đi khác.
Cùng với đó, nếu đặt trạm cân xử lý ngay đầu các nhà máy dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông vì mỗi đơn vị chỉ có 1 cân tải trọng. Đồng thời, khi phát hiện quá tải lại thiếu địa điểm để hạ tải, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như tiến độ thu hoạch, thu mua của người dân, các nhà máy./.