Ngày 18/5, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã có kết luận thanh tra việc thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách, năm học 2017-2018 tại Trường Mẫu giáo Hoa Phượng, xã Ia O, huyện Chư Prông (Gia Lai).
Theo kết luận thanh tra số 50/KL-SGDĐT ngày 15/5/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, Trường Mẫu giáo Hoa Phượng tiến hành thu, chi sai quy định 7 khoản thu ngoài ngân sách của học sinh.
Ngoài ra, các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong năm học 2017-2018 của Trường Mẫu giáo Hoa Phượng chỉ mở sổ theo dõi thu, chi, không thực hiện việc ghi chép trên sổ sách kế toán để phản ánh các khoản thu, chi theo quy định. Công tác công khai, minh bạch, Nhà trường chưa thực hiện theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng trong việc thực hiện các khoản thu, chi không đúng quy định.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Ban Giám hiệu Nhà trường trả lại cho cha mẹ học sinh các khoản như sau: 80.000 đồng/học sinh đối với tiền mua máy bơm, sửa điện nước, mua ống tưới cây; 65.000 đồng/học sinh đối với tiền chăm sóc cây, phân bón; 130.000 đồng/học sinh đối với tiền làm mái che tại điểm trường làng Tung, hàng rào tại các điểm trường làng La và làng Kro.
Theo phản ánh của người dân tại xã vùng 3 đặc biệt khó khăn Ia O, huyện Chư Prông, Trường Mẫu giáo Hoa Phượng thực hiện xã hội hóa giáo dục Mầm non và mô hình bán trú với khoản thu lên tới trên 3 triệu đồng/học sinh/năm học.
[Gia Lai: Cần làm rõ việc Trường mẫu giáo có dấu hiệu lạm thu]
Điều đáng nói, mặc dù không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh nhưng Ban Giám hiệu nhà trường vẫn áp dụng mức thu cao như trên, khiến một số học sinh không đủ tiền đóng học phải nghỉ học tạm thời, có trường hợp nghỉ học hẳn.
Việc thu, quản lý và sử dụng các khoản tiền này còn nhiều chỗ chưa thống nhất, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Trường Mẫu giáo Hoa Phượng nằm trên địa bàn xã Ia O, một trong ba xã khó khăn nhất của huyện Chư Prông, địa phương có gần 50% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo, đa số là người dân tộc thiểu số bản địa.
Hiện Trường Mẫu giáo Hoa Phượng có gần 200 học sinh, trong đó 4/7 lớp đang thực hiện mô hình bán trú và xã hội hóa giáo dục.
Trong khoản thu trên 3 triệu đồng/học sinh/năm học, ngoài hơn 100 nghìn đồng học phí, 18 khoản thu còn lại đều là tiền xã hội hóa và tiền bán trú./.