Hiện gần 4.000 hộ dân tại 3 điểm dân cư gồm thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần, thôn Kiến Xương – xã Chư Gu của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm sắt rất cao.
Theo báo cáo của Nhà máy nước sinh hoạt huyện Krông Pa, tháng 6/2018, lượng sắt trong nước sinh hoạt cung cấp đến người dân là 1,17 mg/l, vượt 5 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (0,3 mg/l).
Điều đáng nói là tình trạng này xuất hiện từ tháng 5/2017 nhưng không được xử lý triệt để. Mùa mưa năm 2017, lượng nước trong hồ chứa được xả liên tục nên nước có phần trong hơn. Đến tháng 5/2018, tình trạng nước sinh hoạt có mùi tanh, màu đỏ đục, nhiều cặn lơ lửng xảy ra với tần suất cao.
Anh Vũ Xuân Nam, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cho biết nguồn nước bị ô nhiễm đã từ lâu nhưng chính quyền không có hướng xử lý. Người dân phải mua nước bình đóng sẵn để nấu ăn còn nước máy để lắng cặn rồi sử dụng giặt đồ, tắm rửa. Gia đình có con nhỏ dùng nước máy tắm thường xuyên bị ngứa.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xã Phú Cần, huyện Krông Pa gần 2 tháng nay phải mua thêm 2 thùng chứa nước để lọc nước sinh hoạt. Theo chị Hiền nước đục ngầu, có màu đỏ đục. Để qua đêm xả ra, nước có màu vàng nghệ kèm nhiều cặn. Vì không còn nguồn nước nào khác nên gia đình chị đành phải lấy vải màn lọc qua để sử dụng.
Trước phản ánh của người dân về tình trạng nước bị ô nhiễm, cuối năm 2017, huyện Krông Pa đã cho kiểm nghiệm nguồn nước. Kết quả cho thấy nước sinh hoạt của người dân tại huyện Krông Pa sau khi xử lý có hàm lượng sắt vượt 0,35mg/l; hàm lượng mangan vượt 0,73 mg/l.
Theo báo cáo số 48/TB-TN ngày 25/6/2018 của Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là thời kỳ chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa nên hàm lượng một số khoáng chất và vi chất trong nước đầu nguồn có hiện tượng tăng đột biến. Đặc biệt, qua kiểm nghiệm chất lượng nước tháng 5/2018, lượng sắt trong nước cao nhất trong những năm qua.
Theo Công văn số 3243 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai ngày 14/12/2017 về kết quả phân tích mẫu nước thô tại hồ chứa thủy lợi Ia M’lah, huyện Krông Pa xác định nước có màu vàng, thông số sắt vượt từ 0,8-2,8 mg/l nước.
Lý do được chính quyền huyện đưa ra là do công nghệ xử lý nước hiện tại của Nhà máy nước sinh hoạt huyện Krông Pa không thể xử lý được nguồn nước bị ô nhiễm để đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống; chưa có hệ thống khử sắt và mangan; chưa có hệ thống kiểm hóa nước; chưa có bể phản ứng… gây hiện tượng kết tủa các chất cặn bẩn và nước được dẫn truyền qua đường ống đến các hộ dân bị ô nhiễm nặng như phản ánh của người dân.
Ông Phạm Quốc Phong, Trưởng Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa, cho biết: Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa đã có thông báo xin lỗi khách hàng, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng nước sinh hoạt để uống trực tiếp mà phải đun sôi; không nên dùng trực tiếp nước sinh hoạt chảy từ đồng hồ ra mà nên chứa vào bồn chứa hoặc dụng cụ chứa nước để lắng một khoảng thời gian rồi mới sử dụng; thường xuyên xả đáy bồn và dụng cụ chứa nước thường xuyên.
Ngoài biện pháp ra thông báo khuyến cáo thì chính quyền huyện Krông Pa vẫn chưa có hình thức xử lý nào khác. Ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa, cho biết năm 2008, khi đoàn kiểm định lấy mẫu nước tại suối M’lah thì mẫu nước hoàn toàn ổn định, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, lượng nước này chỉ ổn định và sử dụng được từ năm 2008 đến năm 2016.
Đến tháng 5/2017, khi có phản ánh của người dân, chính quyền huyện Krông Pa đã tiến hành kiểm nghiệm và kết quả có sự chênh lệch khá lớn so với thời điểm ban đầu. Cụ thể, hàm lượng sắt tăng từ 29-68 lần, hàm lượng Mangan trong nước thô tăng 7 lần so với thời điểm năm 2008./.