Những ngày qua, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò bùng phát mạnh tại xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Chính quyền huyện Mang Yang đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh trên địa bàn xã để ứng phó.
Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện khi anh Diu - một hộ dân ở làng Bông Pim, xã Đak Jơ Ta phát hiện 2 trong số 9 con bò của gia đình có biểu hiện bất thường.
Lo lắng, anh Diu đã nhanh chóng báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, cả đàn bò đều được xác định đã mắc bệnh lở mồm long móng.
Ngay sau khi xác định được ổ dịch, chính quyền địa phương đã khẩn cấp triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan của dịch bệnh diễn biến phức tạp, với 56 con trâu, bò của 22 hộ dân tại xã Đak Jơ Ta đã nhiễm bệnh và trong số đó đã có 3 con trâu, bò chết đã được tiêu huỷ.
Ông Nguyễn Phi Thuỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 1.500 con trâu, bò, riêng làng Bông Pim có 780 con.
Do đó, việc khoanh vùng dập dịch đang được địa phương triển khai quyết liệt. Các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm liên quan trong khu vực ổ dịch đã tạm thời bị đình chỉ để hạn chế nguy cơ lây lan.
Cùng với đó, địa phương cũng tập trung nguồn lực để cứu chữa gia súc mắc bệnh và tuyên truyền, vận động người dân cách ly gia súc bị bệnh với những con khỏe mạnh.
Việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng và bôi dung dịch sát khuẩn cũng được triển khai thường xuyên.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, nguyên nhân của đợt bùng phát dịch này có thể do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi và tạo điều kiện cho nguồn bệnh phát triển.
Bà Vũ Thị An Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho rằng, dịch lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, có khả năng lây lan nhanh chóng qua không khí, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vật nuôi bị bệnh.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện việc theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi thường xuyên; cách ly ngay những con vật nghi bị bệnh; vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên; không mua bán, vận chuyển gia súc khi chưa được phép của cơ quan chức năng và tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng tại xã Đak Jơ Ta đang có diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng.
Tuy nhiên, huyện Mang Yang vẫn chưa mua được vaccine lở mồm long móng để tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch tại xã này và các xã giáp ranh do phải thực hiện các thủ tục đấu thầu.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mang Yang là địa phương có nhiều ổ dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi nhất.
Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3/2024 đã có 25 con bò của 13 hộ dân tại 4 làng thuộc xã Hra và thị trấn Kon Dơng bị mắc bệnh lở mồm long móng.
Đến tháng 5, tình hình trở nên trầm trọng hơn với 56 con trâu, bò của 22 hộ làng Bông Pim, xã Đak Jơ Ta nhiễm bệnh, trong số đó có 3 con đã chết phải tiêu huỷ.
Không chỉ lở mồm long móng, huyện Mang Yang còn ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi như bệnh viêm da nổi cục ở làng Chrơng 2, xã Đăk Ta Ley và dịch tả lợn châu Phi ở làng Groi, xã Kon Thụp.
Các năm 2022-2023 trên địa bàn huyện Mang Yang này còn thường xuyên xảy ra các ổ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Tại Công văn số 1738 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai gửi huyện Mang Yang về việc khẩn trương triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật do địa phương này phát sinh nhiều ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi 2 năm trở lại đây vì không được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Việc tiêm vaccine chủ yếu do các doanh nghiệp, trang trại tự thực hiện. Huyện Mang Yang chỉ hỗ trợ 50% chi phí mua vaccine cho hộ nghèo, cận nghèo, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn chỉ đạt 10% tổng đàn.
Thêm vào đó, kinh phí bố trí cho phòng, chống dịch bệnh động vật cũng không được quan tâm đầy đủ.
Huyện Mang Yang chưa bố trí kinh phí thực hiện theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật do tỉnh Gia Lai phê duyệt, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh./.