Gia Lai: Di dời hai làng người dân tộc thiểu số ra khỏi vùng thiên tai

Chính quyền tỉnh Gia Lai tổ chức di dời 32 hộ dân người dân tộc Jrai, Bahnar ở hai làng A Chông và Păleng nằm trong diện ảnh hưởng bởi thiên tai ra khỏi vùng nguy hiểm.
Những ngôi nhà di chuyển hầu như nguyên vẹn từ làng cũ sang nơi ở mới. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Nằm trong khu vực thung lũng, lọt thỏm giữa những ngọn núi nên hằng năm, hai làng A Chông và Păleng (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) luôn bị ngập lụt khi mùa mưa lũ về.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền tỉnh Gia Lai đã tổ chức di dời 32 hộ dân người dân tộc Jrai, Bahnar nằm trong diện ảnh hưởng bởi thiên tai ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bà con dân tộc thiểu số làng A Chông, làng Păleng vui mừng, phấn khởi dời làng về nơi ở mới cao ráo, an toàn hơn để yên tâm ổn định đời sống.

Theo ông Kyơi, Trưởng thôn (làng) A Chông, hàng chục năm nay, cứ đến mùa mưa, nhà cửa, hoa màu của người dân khu vực này đều bị sạt lở, ngập lụt. Thậm chí, có nhiều năm, những hộ dân này phải thu dọn đồ đạc lên phía đất cao dựng lều, lán ở tạm chờ hết mưa lũ mới trở lại làng sinh sống.

Vì địa hình trũng, nằm giữa các khe núi nên mùa mưa đến, người dân lại nơm nớp lo sợ bị nước cuốn trôi nhà cửa, thậm chí an nguy đến tính mạng.

Qua khảo sát thực tế, năm 2019, chính quyền huyện Chư Sê đã trình phương án và được các cấp phê duyệt đầu tư xây dựng công trình "Bố trí dân cư vùng thiên tai xã Ayun" với diện tích gần 3,5ha cho hơn 150 nhân khẩu về nơi ở mới, an toàn hơn.

[Chủ động phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ trong bão]

Khu tái định cư mới này được đầu tư các cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà văn hóa thôn, điểm trường, điện sinh hoạt, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông có hệ thống thoát nước, cây xanh... với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Nơi ở tuy vẫn thuộc xã Ayun, chỉ cách nơi chỗ cũ gần 1km nhưng là khu đất cao ráo, không bị ngập lụt như xưa.

Theo ông A Nhu, già làng A Chông, vì các nếp nhà sàn của người Jrai và Bahnar trong làng thường làm bằng gỗ, khi chuyển nhà, nếu tháo rời ra, vận chuyển đến nơi ở mới rồi đóng lại sẽ làm bể hết ván và các mấu chốt cột kèo. Do đó, dân làng thường dựa vào sức người mà cõng từng ngôi nhà đến nơi ở mới.

Một góc nơi ở mới đang dần được hình thành với các điều kiện cơ bản đảm bảo nhu cầu người dân. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Để bớt nặng, những ngôi nhà có kích thước lớn sẽ được chia làm 3 phần: mái, khung và chân cột nhà sàn. Đây cũng là nguyện vọng của người dân muốn giữ lại hình ảnh quen thuộc của ngôi nhà cũ. Ngoài ra, do kinh tế người dân còn khó khăn, nên không thể xây dựng nhà mới nên việc cõng nhà cũ theo đến nơi ở mới là phương án tối ưu.

Những ngày này, tranh thủ vừa hết mùa gặt lúa, bà con hai làng A Chông và Păleng bắt đầu di dời từng căn nhà bằng cách rất đặc biệt. Mỗi ngày, làng sẽ dời 4-5 căn nhà cũ về nơi ở mới, để giữ lại những kỷ niệm gắn bó của căn nhà cũ, bà con người dân tộc Jrai, Bahnar nơi đây thường để nguyên hiện trạng căn nhà, đào các trụ rồi cứ thế hò nhau cõng từng căn nhà đi đến nơi định cư mới.

Sáng sớm, đàn ông, thanh niên trong làng tập trung bàn kế hoạch di dời cụ thể cho từng ngôi nhà. Thông thường, thanh niên sẽ tháo phần mái nhà, bà con ghé vai cõng phần mái đi trước sau đó quay lại, tập trung đông người hơn để cõng phần khung nhà, các cột, kèo nặng mới được tháo rời, nếu trong khả năng, người dân sẽ cõng luôn phần khung. Các vật dụng còn trong nhà được phụ nữ, trẻ em thu gom thành bao để gùi về nơi ở mới.

Đến khu vực đất được cấp mới, họ đào hố để chôn cột nhà sàn, hò nhau dựng phần khung xuống rồi lấy dây kéo phần mái lên trên. Việc di chuyển cả căn nhà như thế cần lượng lớn người để có thể cõng nhà trên lưng mà di chuyển nhưng sẽ giảm bớt phần công việc tháo dỡ tại nơi cũ và xây dựng lại tại nơi mới.

Cứ thế, từng ngôi nhà được di chuyển theo chủ cũ sang nơi ở mới để cùng bà con sống tiếp những nếp sống quen thuộc nơi làng xưa. Nhìn từ trên cao, những ngôi nhà như đang biết đi, tự động di chuyển. Công việc nặng nhọc nhưng tiếng cười nói vang vọng cả núi rừng khi bà con vui mừng vì từ nay không còn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ lũ lụt về bất chợt.

Mỗi người một tay, già trẻ, lớn bé đều phấn khởi cùng nhau di dời về làng mới. Những căn nhà chầm chậm di chuyển, xung quanh, người dân không ai bảo ai ghé vai cõng làng về nơi cao ráo hơn. Tất cả khung cảnh làng vẫn như cũ, chỉ có nơi ở là mới vì sẽ an toàn hơn.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ayun cho biết công tác di dời 32 hộ dân hai làng A Chông và Păleng được chính quyền hết sức quan tâm. Ngoài việc kêu gọi các hội, đoàn thể như thanh niên, dân quân, phụ nữ của xã tập trung giúp bà con di dời làng, chính quyền địa phương đã có nguồn kinh phí hỗ trợ giúp bà con khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Dự kiến, công tác di dời sẽ hoàn thành vào đầu tháng 12/2021 để bà con kịp ăn mừng vụ lúa mới phối hợp với về nơi ở mới. Sau khi ổn định nhà cửa, chính quyền xã Ayun sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình trồng rau, cây ăn quả trên diện tích đất được hỗ trợ nhằm tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, hướng đến xây dựng làng nông thôn mới.

Việc thực hiện di dời 32 hộ dân của hai làng A Chông và Păleng, xã Ayun ra khỏi thung lũng Ayun là một hoạt động nhân văn, kịp thời của tỉnh Gia Lai trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc do thiên tai gây ra.

Đây là một trong rất nhiều chương trình, dự án tái định cư thiết thực hỗ trợ ổn định, nâng cao đời sống nhân dân của chính quyền tỉnh Gia Lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục