Gia Lai: Cộng đồng người Bahnar gìn giữ rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh

Cộng đồng người Bahnar ở vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã thay đổi tập tục khai phá rừng và trở thành “phên giậu” ngăn "lâm tặc" ngay từ cửa rừng.
Cộng đồng người Bahnar được hưởng lợi và bảo vệ những diện tích rừng được giao khoán. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Cùng với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và chính sách giao khoán, bảo vệ, nhiều diện tích rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được giữ vững.

Điều này có được là nhờ cộng đồng người Bahnar ở vùng đệm đã thay đổi tập tục khai phá rừng và trở thành “phên giậu” ngăn "lâm tặc" ngay từ cửa rừng.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tổng diện tích rừng tự nhiên lên tới gần 42.000ha, trải dài trên ba huyện là Đăk Đoa, Mang Yang và Kbang của tỉnh Gia Lai.

Trong số này, gần 18.000ha đã được giao khoán bảo vệ cho 26 cộng đồng làng người Bahnar. Từ đầu năm tới nay, các cộng đồng làng phối hợp với lực lượng tại 9 Trạm Bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức 76 đợt tuần tra giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng phá rừng và vô hiệu hóa hàng trăm bẫy thú rừng.

Ông Lê Thanh Đạo, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 1, cho biết: Đối với những hộ được nhận khoán, chúng tôi chia sẻ thông tin về các loài cấm không được khai thác, săn bắt và những điều khoản được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

[Khám phá nét đa dạng sinh học của Khu Dự trữ Sinh quyển Kon Hà Nừng]

Trong quản lý, bám sát thông tin từ cơ sở nếu cá nhân nào có hành vi khai thác rừng, chúng tôi sẽ kết hợp với già làng, người uy tín, thuyết phục nên dần dần người dân cũng hiểu.

Đã thành thông lệ, cứ một tuần 2 lần, dân làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang lại cử một nhóm 5 đến 6 người cùng với cán bộ Trạm Bảo vệ rừng số 1 của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuần tra, kiểm soát lâm phần được giao khoán.

Cộng đồng dân làng Bahnar được hưởng lợi và bảo vệ những diện tích rừng được giao khoán. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Để chuẩn bị cho chuyến tuần tra 2 ngày 1 đêm sâu trong rừng già cách làng hơn 10km, ngoài nhu yếu phẩm thiết yếu như nước uống, cơm nắm, muối, người dân trong làng còn mang theo những cây gậy dài hơn 1m vừa dò đường vừa cố gắng phát hiện những chiếc bẫy để giải cứu thú rừng khi cần thiết.

Dân làng Đê Kjiêng mỗi khi vào rừng hái măng, hái đót, nếu phát hiện người lạ, hay tiếng máy cưa sẽ báo ngay cho lực lượng chuyên trách. Nhờ vậy, nhiều năm nay, tại lâm phần gần 2.000 ha của cộng đồng làng Đê Kjiêng nhận giao khoán, rừng được bảo vệ nguyên vẹn, không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào.

Anh A Mưm, một thành viên tích cực trong Đội bảo vệ rừng của cộng đồng làng Đê Kjiêng cho biết, cách đây hơn chục năm trở về trước, dân làng thường vào rừng đốn cây về làm nhà sàn, đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt thú rừng ăn thịt hoặc bán.

Từ khi được nhận giao khoán bảo vệ, người dân đã ý thức hơn và dần bỏ hẳn những thói quen ảnh hưởng xấu đến rừng. Để ổn định sản xuất cho bà con, mỗi năm, sau khi nhận 250 triệu đồng kinh phí khoán, bảo vệ rừng, làng chia đều cho các hộ và trích ra một phần để mua máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất chung; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện còn hơn 1.750 loài thực vật chiếm 14% hệ thực vật của cả nước. Cùng với đó, quần thể động vật tại đây có 87 loài thú, (trong đó có 34 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam); hơn 300 loài chim và 77 loài bò sát. Do đó, việc bảo vệ, bảo tồn tính đa dạng sinh học động thực vật của hệ sinh thái rừng nguyên sinh là điều quan trọng nhất.

Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chia sẻ tổng số cán bộ, nhân viên tại đây chỉ có 75 người, trong khi diện tích rừng được giao quản lý lên tới gần 42.000ha.

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị xác định dân cư vùng đệm chính là tai, mắt của mình. Chính vì vậy, hằng năm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đều trích kinh phí làm các công trình chung như nhà cộng đồng, đèn chiếu sáng, hệ thống nước sạch, cấp cây giống và phân bón để hỗ trợ dân cư vùng đệm ổn định cuộc sống.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng triển khai dự án hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, xen trong nương rẫy nhằm giúp người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập, yên tâm bảo vệ rừng,” ông Vinh chia sẻ thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục