Gia Lai: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở tại huyện Ia Pa

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Ia Pa, do tình hình biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất, địa hình và dòng chảy nên tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
Người dân mong muốn các cấp ngành, địa phương sớm có phương án hỗ trợ xây kè chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. (Nguồn: Báo Gia Lai)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký quyết định số 232/QĐ-UBND, ngày 18/4/2024 công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực: Trạm bơm điện Chư Răng 2, thôn Quý Đức, cầu Ia Kdăm thuộc địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai).

Trước đó, Ủy ban Nhân dân huyện Ia Pa đã có báo cáo trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Ba, để từ đó có căn cứ triển khai các giải pháp cấp bách.

Hiện, toàn huyện Ia Pa có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Ia Pa, do tình hình biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất, địa hình và dòng chảy nên tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Hiện, toàn huyện Ia Pa có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân.

Đặc biệt nghiêm trọng, tại các khu vực: Trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng), thôn Quý Đức (xã Ia Trok), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn), hiện dòng chảy ép sát bờ sông, suối gây sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ và có xu hướng gia tăng nhanh.

Tại các khu vực thường xuyên sạt lở này có các khu dân cư, công trình thủy lợi, tuyến đường Trường Sơn Đông; sạt lở có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân, nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản của các hộ dân, công trình phòng, chống thiên tai, hạ tầng giao thông quan trọng của Nhà nước.

Do đó, việc triển khai các giải pháp để kịp thời khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở, sinh hoạt và đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông cũng như bảo vệ công trình, tài sản nhà nước rất cấp bách.

Cùng với việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ia Pa cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, huyện thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, sạt lở; kịp thời tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn (nếu có).

Huyện bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Ủy ban Nhân dân huyện Ia Pa thông báo cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm; kịp thời bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các khu vực ngập lụt hoặc bị sạt lở nghiêm trọng; tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt, lở nhằm nhanh chóng khắc phục triệt để tình trạng sạt, lở theo đúng các quy định hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai và có giải pháp để kịp thời khắc phục triệt để trạng tình sạt, lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; đồng thời đảm bảo ổn định, lâu dài theo đúng các quy định hiện hành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung đề xuất; phối hợp với các sở, ban, ngành theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai theo đúng quy định.

Trước đó, do thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ sau năm 2009 tới nay, sông Ba chảy qua các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai bị sạt lở bờ sông nghiêm trọng, khiến hàng trăm ha đất sản xuất của người dân bị mất trắng, nhiều khu dân cư buộc phải di dời.

Đặc biệt, 8 hộ dân với 33 nhân khẩu có nhà gần bờ sông dù đã thuộc danh sách bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2011-2025 của huyện Ia Pa, nhưng đến nay, vẫn chưa thể di dời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục