Gia Lai: Chỉ đích danh 10 Ban quản lý rừng 'chây ì' nộp tiền sai phạm

9 Ban quản lý rừng phòng hộ và 1 khu bảo tồn thiên nhiên được yêu cầu nộp trả số tiền gần 7 tỷ đồng chi sai, chi không đúng mục đích và thu hồi 4.309,74 ha diện tích đất rừng bị mất, lấn chiếm.
Khu vực rừng thông bị bóc vỏ trái phép tại Gia Lai. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Trương Phước Anh vừa ký công văn số 2962 về việc tiếp tục triển khai, nghiêm túc thực hiện, xử lý, khắc phục sai phạm sau thanh tra tại các Kết luận thanh tra tỉnh.

Theo đó, công văn này yêu cầu 9 Ban quản lý rừng phòng hộ và 1 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nộp trả số tiền  gần 7 tỷ đồng chi sai, chi không đúng mục đích vào ngân sách nhà nước và thu hồi 4.309,74 ha diện tích đất rừng bị mất, lấn chiếm sau kết quả thanh tra.

Trước tình trạng 10 đơn vị trên vẫn “chây ì” không chịu nộp trả khoản tiền gần 7 tỷ đồng sai phạm vào ngân sách nhà nước, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Nếu lãnh đạo các đơn vị, cá nhân và tổ chức có liên quan không thực hiện đúng quy định thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Trong hai năm 2018-2019, Thanh tra tỉnh gia Lai phát hiện 9 Ban quản lý rừng phòng hộ, 1 khu bảo tồn thiên nhiên (các Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, Ayun Pa, Đức Cơ, Đông bắc Chư Păh, Bắc Ia Grai, Ia Meur, Ia Puch, Ia Rsai, Chư Mố và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) vi phạm tài chính số tiền hơn 10,3 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 12/2019 các đơn vị này chỉ mới khắc phục sai phạm được số tiền  gần 3,36 tỷ đồng, còn số tiền gần 7 tỷ đồng đến nay vẫn “chây ì”, không chịu nộp trả ngân sách nhà nước.

Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa là đơn vị sai phạm tài chính nhiều nhất với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn còn hơn 4,3 tỷ đồng chưa chịu nộp trả vào ngân sách.

Tiếp đến là Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa sai phạm 1,6 tỷ đồng nhưng chỉ mới nộp lại 600 triệu đồng.

Các Kết luận thanh tra của tỉnh Gia Lai cũng chỉ rõ, từ năm 2018-2019, tại 10 đơn vị trên còn làm mất, để người dân lấn chiếm 4.820,88ha rừng. Tuy nhiên đến nay mới thu hồi được 511,14ha.

Điển hình là Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố có tổng số diện tích rừng bị mất, lấn chiếm là 1.470,07ha, nhưng chỉ thu hồi được 68,5ha.

Kế tiếp là Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch có tổng diện tích rừng bị mất, lấn chiếm là 1.228,48ha nhưng mới thu hồi được 32,0ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục