Gia Lai: Bất thường việc thu dịch vụ công ích thủy lợi tại huyện Ia Pa

Ủy ban Nhân dân xã Chư Răng (Gia Lai) rà soát, phát hiện nhiều bất thường trong kê khai diện tích, chi trả tiền dịch vụ công ích thủy lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân.

Người dân bức xúc vì diện tích canh tác bỗng chốc tăng lên bất thường và bị giả mạo chữ ký xác nhận. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Người dân bức xúc vì diện tích canh tác bỗng chốc tăng lên bất thường và bị giả mạo chữ ký xác nhận. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai phản ánh về việc diện tích đất canh tác lúa nước của họ bỗng dưng tăng lên một cách bất hợp lý, dẫn đến gia tăng chi phí dịch vụ thủy nông.

Trước tình hình này, xã Chư Răng đã rà soát và phát hiện nhiều bất thường trong kê khai diện tích và chi trả tiền dịch vụ công ích thủy lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nông dân.

Cụ thể, từ năm 2014 đến 2023, xã Chư Răng có hai trạm bơm tư nhân (thuộc Tổ dịch vụ thủy nông số 1 và số 2) phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hecta lúa trên địa bàn thôn Bình Hòa, thôn Đoàn Kết và một số vùng lân cận.

Cả hai trạm bơm này đều được hưởng hỗ trợ từ nhà nước với mức hơn 1,6 triệu đồng/ha/vụ. Theo quy trình, mỗi vụ mùa, các tổ dịch vụ thủy nông sẽ kê khai diện tích tưới tiêu và được Ủy ban Nhân dân xã xác nhận trước khi thực hiện các thủ tục thanh toán.

Tuy nhiên, qua rà soát vào tháng 7/2023, Ủy ban Nhân dân xã Chư Răng đã phát hiện nhiều bất thường trong việc kiểm đếm diện tích thụ hưởng dịch vụ.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư Răng cho biết từ ngày 19-28/7/2023, Ủy ban Nhân dân xã đã tổ chức cho người dân kê khai và thành lập 5 tổ tiến hành rà soát ngẫu nhiên tại 5 thôn.

Qua đó, phát hiện có sự chênh lệch về diện tích, sai thông tin và chữ ký của người dân so với danh sách của các tổ dịch vụ cung cấp.

Theo danh sách Tổ dịch vụ thủy nông số 1 gửi về xã trước khi rà soát ghi nhận 137 hộ với diện tích hơn 36ha. Tuy nhiên, qua rà soát, có 40 hộ không trùng tên hoặc diện tích; 14 hộ kê khai nhưng không có danh sách đề nghị hỗ trợ; 27 hộ không đến kê khai.

Đáng chú ý, có 38 chữ ký của các hộ dân không đúng, trong đó có chữ ký xác nhận của Trưởng thôn Bình Hòa cũng không chính xác.

Tương tự, tại Tổ dịch vụ thủy nông số 2, do có diện tích lớn (148,3 ha) và số hộ đông (707 hộ), xã đã thực hiện đối chiếu ngẫu nhiên danh sách, diện tích, xác minh chữ ký và phát hiện nhiều trường hợp không khớp về diện tích.

Cụ thể, có 76 hộ không trùng tên hoặc diện tích; 31 hộ kê khai nhưng không có danh sách đề nghị hỗ trợ; 357 hộ không đến kê khai.

TTXVN_0609Gialai3.jpg
Một trong hai trạm bơm dịch vụ công ích thủy lợi ở xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ông Trần Văn Khánh, một hộ dân ở thôn Bình Hòa cho biết gia đình ông chỉ có khoảng 600m² đất canh tác lúa nước nên năm 2023 phí dịch vụ khoảng 200.000 đồng (sau khi đã trừ tiền hỗ trợ).

Tuy nhiên, đến năm 2024, diện tích đất của ông lại bị báo tăng lên 0,14 ha. “Tôi khá bất ngờ khi phía trạm bơm nước thủy lợi đưa bản đồ và thông báo diện tích canh tác của gia đình tăng lên. Họ yêu cầu tôi ký xác nhận nhưng tôi không đồng ý vì diện tích đất của tôi chỉ có 600 m². Nếu có vấn đề, Ủy ban Nhân dân xã phải mời chúng tôi ra đồng đo đối chiếu, khi đó tôi sẽ ký,” ông Khánh chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Ích, Trưởng thôn Bình Hòa cho biết đã nhiều lần đề nghị tổ chức họp dân với chính quyền, đơn vị cung ứng dịch vụ sau mỗi mùa vụ để thống nhất về diện tích và mức thu.

Song, việc này vẫn bị bỏ ngỏ dẫn đến nhiều bất cập và thiếu minh bạch. Việc không ký tên nhưng vẫn có chữ ký xác nhận trong hồ sơ đề nghị nhà nước hỗ trợ thanh toán năm 2023 đã gây ra sự bất bình cho người dân hai thôn Bình Hòa và Đoàn Kết.

“Nếu chỉ là một cá nhân bình thường thì có thể xem xét lại, nhưng đây là cả một tập thể và tôi là người đại diện. Trong trường hợp xảy ra vấn đề liên quan đến tài chính hay vi phạm pháp luật, tôi sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của tôi,” ông Ích bức xúc nói.

Tại thôn Đoàn Kết, Trưởng thôn Nguyễn Bá Việt cũng cho biết người dân trong thôn phản ánh rất nhiều và không đồng tình về việc diện tích đất tăng lên và bị giả mạo chữ ký xác nhận.

Phía trạm bơm cũng tự ý đo đạc mà không thông báo với người dân hay chính quyền. Khi người dân phát hiện ra, hồ sơ danh sách xác nhận đã hoàn tất. Ông Việt bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền và ngành chức năng cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà con nông dân.

Theo số liệu từ Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Ia Pa, trong năm 2022, tỉnh Gia Lai đã chi 650 triệu đồng hỗ trợ cho các tổ dịch vụ thủy nông ở xã Chư Răng.

Trong số đó, Tổ dịch vụ thủy nông số 1 nhận gần 120 triệu đồng để tưới tiêu cho hơn 36 ha lúa, tổ dịch vụ số 2 nhận xấp xỉ 530 triệu đồng tưới cho trên 162ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư Răng cho rằng ông không biết về những bất thường này trước khi nhận công tác tại xã vào cuối năm 2022.

Tất cả hồ sơ chi trả tiền dịch vụ công ích thủy lợi tại địa phương những năm trước đều không được lưu tại xã. Từ khi thực hiện việc rà soát, xã mới phát hiện diện tích kê khai có dấu hiệu bất thường và thực tế kiểm kê cho thấy số liệu đã giảm nhiều hơn so với trước đây.

Hiện xã đã cho dừng để tiếp tục rà soát và đã báo cáo vụ việc lên Ủy ban Nhân dân huyện để có hướng chỉ đạo xử lý.Vụ việc bất thường trong kê khai diện tích và dịch vụ công ích thủy lợi tại xã Chư Răng đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong quản lý ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân và làm giảm sút niềm tin vào công tác quản lý của chính quyền địa phương./.

Tin cùng chuyên mục