Giá khí đốt tăng cao thách thức thỏa thuận Xanh của Ủy ban châu Âu

Khí đốt đắt là do các sự kiện xảy ra đồng thời, trong đó mấu chốt là nguồn cung khí đốt cho EU thấp hơn dự kiến. Điều này khiến các nhà giao dịch lo ngại thiếu khí đốt và đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Xe chở nhiên liệu tại kho trữ dầu ở Hemel Hempstead, phía Bắc London (Anh) ngày 5/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia Stepan Chalupa, Chủ tịch Phòng các nguồn năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương Cộng hòa Czech đã nhận định rằng ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Dự thảo đề xuất phân loại khí đốt và năng lượng hạt nhân thân thiện với khí hậu.

Tài liệu này hướng dẫn các công ty, các nhà đầu tư và hoạch định chính sách về các hoạt động được coi là bền vững, ngăn chặn các hoạt động làm tổn hại đến “xanh hóa,ˮ giúp tái định cư hoặc hướng hoạt động đầu tư vào đúng nơi cần nhất.

Năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên cũng được đưa vào danh sách các công nghệ có lợi cho bảo vệ khí hậu một cách có điều kiện và mang tính tạm thời. Đây là tín hiệu tốt cho các chính phủ Czech, Hungaria, Ba Lan, Slovakia, Bulgaria, Romania, Croatia, Slovenia cũng như Phần Lan và Pháp.

Lãnh đạo các quốc gia này muốn nhà máy điện hạt nhân hoặc chạy bằng khí đốt được xây dựng với chi phí rẻ hơn và có thể tự đánh giá được mức độ hấp dẫn của các dự án đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đối với một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức, Áo và có thể cả một số quốc gia khác, dự thảo trên của EC lại không phải là tin tốt nhất cho vấn đề bảo vệ khí hậu.

Sau khi tính toàn bộ chu trình khai thác, sản xuất và vận chuyển, bao gồm cả việc rò rỉ khí methan, phát thải của một nhà máy điện sử dụng khí đốt cũng chỉ chênh lệch đôi chút so với phát thải của một nhà máy nhiệt điện than.

Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ phải mất nhiều thời gian, phức tạp và nhất là tốn kém hơn. Do đó, để đưa một nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động cũng không nhất thiết phải đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.

[Bloomberg: Châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt trong mùa Đông này]

Đây chính là những lý do khiến sự chú ý của dư luận bị hướng ra khỏi các giải pháp bảo vệ khí hậu thực sự như năng lượng tái tạo cũng như các công nghệ và giải pháp liên quan. Các giải pháp này có chi phí xây dựng rẻ nhất, đơn giản, tương đối khả thi và an toàn.

Kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong trong các giải pháp này cho thấy “ở đâu có ý chí, nơi đó có giải phápˮ. Các quốc gia Trung Âu có thể hài lòng vì quan điểm của họ đã được châu Âu lắng nghe, trong khi một phần Tây Âu có lẽ đã “mừng thầmˮ với một số ý kiến ủng hộ hạt nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần nhận thức được rằng việc phân loại phải là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhất để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng sau hóa thạch. Phân loại giúp tìm ra các giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tại Trung và Đông Âu, nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và khí đốt mới.

Mặc dù vậy, theo đề xuất vừa đưa ra, vai trò của hoạt động phân loại đã bị coi nhẹ, bởi bản chất của vấn đề trữ lượng khí đốt không nằm ở vai trò mang tính tạm thời mà chính là việc đánh giá quá cao vai trò của khí đốt.

Trong khi đó, đối với vấn đề phát thải của các nguồn năng lượng tái tạo, nguy cơ về việc lạm dụng quá mức cũng như quá trình phát triển chậm chạp của các nguồn này lại không phải là những vấn đề quá lo ngại.

Thủ phạm gây ra giá năng lượng cao “đang nằm dưới lòng đấtˮ

Có một nghịch lý là nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto-3 của Phần Lan cuối cùng cũng đã được khởi động. Đây là công trình đắt thứ hai trên thế giới, sau tổ hợp khách sạn sang trọng Abraj al-Bait ở Saudi Arabia. Chi phí xây dựng nhà máy điện với công suất lắp đặt 1.600 megawatt này lên tới hơn 117,5 tỷ USD.

Đây chính là lý do khiến Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans trong chuyến thăm Ostrava, CH Czech, đã tuyên bố quyết định xây dựng các cơ sở hạt nhân mới hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các chính phủ quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên các chính phủ lại muốn EC đưa ra quyết định cho vấn đề này. Trên thực tế, chi phí cho các nhà máy điện hạt nhân đang tăng lên, trong khi chi phí cho năng lượng tái tạo lại có xu hướng giảm.

Nhưng EC cho thấy đã sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các quốc gia thành viên trong EU. Để duy trì hòa bình và sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên ở phía Đông, EC đã quyết định tạm chấp nhận các giải pháp bảo vệ khí hậu lâu dài và tốn kém hơn. Do đó, đề xuất phân loại nêu trên sẽ phải trải qua quá trình thông qua kéo dài ít nhất một năm tại nghị viện các quốc gia thành viên EU.

Mặc dù vậy, các quyết định phân loại sẽ có rất ít tác dụng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Mức giá điện hiện nay ở châu Âu chủ yếu là giá điện được sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.

Mức giá này thường được sử dụng để định giá cho tất cả các loại điện được giao dịch trên thị trường, dù là điện từ nguồn tái tạo, hạt nhân hay than. Giá thành 1m3 khí tự nhiên được bán hồi tháng 10/2021 đắt gấp 4 lần so với thời điểm mùa Đông 2020, thể hiện qua việc giá bán điện từ khí đốt đã tăng 90 euro/megawatt/giờ.

Ngược lại, việc tăng mức cho phép phát thải 30 euro/tấn CO2 thải ra đồng nghĩa với việc tăng chi phí sản xuất điện từ khí đốt lên khoảng 10 euro/megawatt/giờ.

Theo một phân tích do EC công bố tháng 10/2021, tác động của việc tăng giá khí đốt tự nhiên lên giá điện cao gấp 9 lần so với tác động của giá phụ cấp phát thải. Việc cáo buộc giá năng lượng cao trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và Thỏa thuận Xanh là không chính xác và không công bằng.

Hỗ trợ có mục tiêu cụ thể

Khí đốt đắt là do các sự kiện xảy ra đồng thời, trong đó mấu chốt là nguồn cung khí đốt cho EU thấp hơn dự kiến. Điều này khiến các nhà giao dịch lo ngại thiếu khí đốt và đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol mới đây đã ngừng chỉ trích “một số nhà cung cấp lớn” tỏ ra miễn cưỡng trong việc chuyển thêm khí đốt đến châu Âu trong thời điểm khó khăn hiện nay để xoa dịu thị trường, đồng thời khẳng định vị thế của các nhà cung cấp này là “rất đáng tin cậy.ˮ

Tuy không chỉ đích danh nhà cung cấp nào, song thông điệp của ông Birol là rất rõ ràng: Đến nay, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU (chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU), trong khi việc Nga gây sức ép mở đường ống mới Nord Stream 2 lại đang bị EC điều tra.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Nền kinh tế châu Âu đang thay đổi để thích ứng với cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu và để các thế hệ tương lai của châu Âu có nơi sinh sống lý tưởng. Điều này đang tạo ra nhiều thay đổi, trong đó tác động lớn nhất của các sản phẩm và dịch vụ đắt đỏ đương nhiên sẽ xảy ra đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Do đó, một phần quan trọng của Thỏa thuận Xanh là việc thành lập Quỹ Xã hội Khí hậu toàn châu Âu mới. Trong những năm tới, khoảng gần 850 tỷ USD sẽ được đổ vào quỹ này, bằng 1/4 số tiền thu được từ hoạt động buôn bán khí thải mới.

Quỹ sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên EU cùng các quỹ khác, chủ yếu là của châu Âu. Các quốc gia thành viên sẽ bồi thường cho các hộ gia đình dễ bị ảnh hưởng nhất vì các khoản chi tiêu tăng lên. Trước hết, các hộ gia đình châu Âu sẽ được hoàn trả tiền cách nhiệt, thay cửa sổ, mua các thiết bị mới để sưởi ấm và tự sản xuất điện.

Đây là những khoản chi phí các hộ gia đình có thu nhập thấp rất khó có khả năng tự trang trải, nhưng lại tác động lớn đến chi tiêu của các hộ này cho năng lượng. Nhờ có quỹ mới, các hộ gia đình thậm chí còn có thể để dành ra được một khoản tiền tiết kiệm không nhỏ và quỹ sẽ giúp cho các hộ gia đình giảm tiền hóa đơn năng lượng hằng tháng trong vài thập kỷ tới.

“Không ai bị bỏ lại phía sauˮ là phương châm trung tâm của Thỏa thuận Xanh và chắc chắn các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận thức rõ tầm quan trọng của khía cạnh xã hội trong vấn đề năng lượng. Nếu không, toàn bộ kế hoạch phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế châu Âu sẽ vẫn chỉ là một bản kế hoạch nằm trên giấy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục