Trong những ngày qua, tại Tiền Giang, giá trái hồng xiêm đang tăng mạnh.
Nông dân vùng chuyên canh phấn khởi bởi có thêm nguồn thu nhập để ổn định sản xuất và đời sống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, nông dân trồng 2.500m2 hồng xiêm tại ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, những ngày qua, thương lái thu mua hồng xiêm giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, cao gấp ba lần so với trước thời điểm dịch bùng phát và diễn biến phức tạp. Với mức giá này, mỗi ha hồng xiêm nông dân đạt giá trị trên 200 triệu đồng; trong đó, lãi trên 50%.
Dự kiến trong tuần tới, vườn hồng xiêm của ông Nguyễn Ngọc Hai cho thu hoạch đợt mới với sản lượng khoảng 300kg quả, thu khoảng 5 triệu đồng.
Ông Hai đánh giá hồng xiêm tăng giá mạnh nhờ sau ngày 15/10 các chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 trên địa bàn bắt đầu tháo dỡ, việc đi lại và giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân thuận lợi trong bối cảnh tỉnh Tiền Giang đang dần trở lại trạng thái bình thường mới để khôi phục, phát triển sản xuất sau dịch bệnh.
[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo ở ĐBSCL ổn định]
Hồng xiêm là cây trồng đặc sản, thích nghi với thổ nhưỡng vùng ven sông Tiền phía Nam huyện Châu Thành (Tiền Giang), dễ trồng, năng suất cao và cho thu hoạch rải vụ gần như quanh năm với mức trung bình mỗi tháng thu hoạch hai đợt quả. Nhờ vậy, người trồng cũng giảm bớt nguy cơ “trúng mùa, rớt giá” do thu hoạch rộ khiến cung vượt cầu.
Nhờ định hình vùng chuyên canh hồng xiêm có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp, nông thôn các xã căn cứ kháng chiến chống Mỹ ven sông Tiền phía Nam huyện Châu Thành đã đổi mới, giúp nông dân làm giàu. Các xã trồng nhiều hồng xiêm như Phú Phong, Kim Sơn đều được công nhận đạt tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới, đang tiếp tục xây dựng lộ trình phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Tiền Giang hiện có khoảng 1.500ha hồng xiêm tập trung tại các xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành như Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong…; trong đó nhiều nhất là xã Kim Sơn với khoảng 600ha.
Tại xã Kim Sơn, địa phương đã thành lập được Tổ hợp tác trồng hồng xiêm Mặc Bắc Kim Sơn (Châu Thành) nhằm tập hợp bà con vùng chuyên canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm thâm canh để giành những vụ mùa bội thu; áp dụng tiêu chí VietGAP để nâng sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản./.