Giá hàng hóa tăng cao đẩy các nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái

Giá cả tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt “hầu bao” và nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra có thể đẩy các nền kinh tế, vốn đã bị đại dịch và bất ổn chính trị làm tổn thương, lún sâu vào suy thoái.
Giá hàng hóa tăng cao đẩy các nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái ảnh 1Bảng giá xăng và dầu diesel tiếp tục tăng tại một trạm bơm xăng của Shell ở Manchester, Anh, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá của một số mặt hàng thiết yếu hàng đầu như thực phẩm, nhiên liệu, nhựa và kim loại - đang tăng vượt mức mà nhiều người mua có thể chi trả.

Điều đó buộc người tiêu dùng phải thắt chặt “hầu bao” và nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra có thể đẩy các nền kinh tế, vốn đã bị đại dịch và bất ổn chính trị làm tổn thương, lún sâu vào suy thoái.

Tình trạng giá cả leo thang đang diễn ra theo nhiều cách và gây ra những tác động khác nhau tại từng khu vực trên thế giới.

Giá khí đốt tăng vọt ở Trung Quốc đang buộc các nhà máy sản xuất gốm nước này phải giảm một nửa công suất hoạt động.

Một công ty vận tải đường bộ ở bang Missouri (Mỹ) đang xem xét việc đình chỉ hoạt động vì không thể bù đắp hoàn toàn chi phí dầu diesel đang tăng.

[ECB khẳng định kinh tế châu Âu sẽ không rơi vào suy thoái]

Trong khi đó, các nhà máy thép ở châu Âu sử dụng hồ quang điện cũng đang phải thu hẹp quy mô sản xuất do chi phí điện năng tăng cao, khiến giá kim loại này trở nên quá đắt đỏ.

Theo Liên hợp quốc, giá lương thực toàn cầu đã xác lập mức cao kỷ lục vào tháng trước, khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ hai nhà cung cấp ngũ cốc và dầu ăn lớn của thế giới.

Giá thực phẩm đắt hơn có thể chỉ gây khó khăn cho tầng lớp trung lưu, nhưng đang “hủy hoại” những người đang cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Tại các nước phát triển, áp lực từ chi phí năng lượng và thực phẩm cao hơn có thể buộc các hộ gia đình phải cắt giảm việc chi tiêu tùy ý như đi chơi buổi tối, đi nghỉ, mua điện thoại thông minh iPhone hoặc trò chơi điện tử PlayStation đời mới nhất.

Việc Trung Quốc quyết định đưa khu vực sản xuất thép hàng đầu của nước này vào diện “phong tỏa” do đại dịch COVID-19 có thể gây hạn chế nguồn cung và đẩy giá các mặt hàng cơ bản như đồ gia dụng và ôtô tăng cao.

Xe điện của Tesla Inc., Volkswagen AG và General Motors Co., vốn được coi là tương lai của ngành giao thông vận tải, nhưng giá pin lithium trong xe của họ hiện đắt hơn gần 500% so với một năm trước.

Kenneth Medlock III, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Viện Chính sách Công Baker thuộc Đại học Rice, cho biết: “Nhìn chung, tình trạng giá cả leo thang hiện tại báo hiệu nguy cơ suy thoái kinh tế.”

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết định chế tài chính này đã sẵn sàng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do xung đột tại Đông Âu và nhận thấy nguy cơ suy thoái ở một số quốc gia ngày càng gia tăng.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, bà Georgieva cho biết nền kinh tế thế giới vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay, mặc dù ít hơn mức dự báo 4,4% được đưa ra trước đó.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết việc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng áp lực lạm phát bằng cách khiến giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng khác đồng loạt tăng cao, giữa lúc lạm phát đã ở mức quá “nóng.”

Ông cho biết kiềm chế lạm phát cao hiện là ưu tiên hàng đầu của Fed và ngân hàng này sẵn sàng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tiếp theo nếu cần.

Giá hàng hóa tăng cao đẩy các nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái ảnh 2Người dân mua hàng trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, nơi giá năng lượng đang tăng vọt do khu vực này vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung của Nga.

Giá khí đốt tại lục địa này hiện cao gấp sáu lần so với một năm trước đó, và giá điện tăng gần gấp năm lần. Việc này kết hợp với xung đột đang diễn ra khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình hạn chế tất cả các loại chi tiêu.

Vương quốc Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 6% xuống 3,8%, do người tiêu dùng phải đối mặt với mức sống eo hẹp nhất trong ít nhất sáu thập kỷ qua.

James Smith, một chuyên gia kinh tế về các thị trường phát triển tại ING ở London cho biết: “Dường như không còn gì để nghi ngờ về việc lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn do hậu quả của tình hình căng thẳng tại Ukraine.”

Sự gia tăng giá cả đang thể hiện trong các mặt hàng phổ biến như dầu và kim loại chuyên dụng như lithium, một thành phần quan trọng trong việc chế tạo các loại pin tiên tiến cho các thiết bị điện tử tiêu dùng và ôtô điện.

Các nhà sản xuất pin ở Trung Quốc đã phải trả giá cao gấp 5 lần cho kim loại này so với một năm trước đó, họ phải chuyển một phần chi phí đó cho các hãng sản xuất ôtô, và điều này có khả năng làm chậm doanh số bán xe điện sau khi giá bán bị điều chỉnh.

Các nhà sản xuất phân bón, những người sử dụng khí tự nhiên làm nguyên liệu thô, đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động vào năm ngoái.

Italy, Đức và Anh đang tìm hiểu xem có nên đẩy mạnh sử dụng than đá vào mùa Đông tới để giảm bớt nhu cầu về khí đốt trong sản xuất điện hay không.

Điều đó sẽ giải phóng nhiều nhiên liệu hơn cho các ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất thủy tinh và sản xuất thép, những ngành mà khí đốt không dễ dàng được thay thế. Tuy vậy, điều đó vẫn có thể là chưa đủ. Vẫn có những kế hoạch dự phòng để hạn chế nhu cầu năng lượng.

Các nhà sản xuất gạch của Anh đã được chính phủ yêu cầu chuẩn bị cho việc giảm tốc sản xuất nếu khủng hoảng Ukraine làm tắc nghẽn nguồn cung năng lượng.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đỡ bị ảnh hưởng mạnh hơn với giá nhiên liệu tăng cao vì quốc gia này không phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ hoặc khí đốt của Nga, nhưng không có nghĩa là họ “miễn nhiễm.”

Giá dầu thô của Mỹ đã tăng vọt trong tháng Một và tháng Hai năm nay, do nguy cơ xung đột Nga-Ukraine gia tăng, và xăng bán lẻ cũng lập mức cao kỷ lục 4,31 USD/gallon (1 gallon=3,78 lít), thậm chí ở thành phố Los Angeles, giá xăng trung bình hiện là 6 US/gallon.

Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nhu cầu nhiên liệu vẫn không thay đổi, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó có thể phản ánh cách người Mỹ ứng phó với thời gian dài bị phong tỏa xã hội và không thể đi du lịch.

Tuy nhiên, nếu giá dầu duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ sẽ xuất hiện.

Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. (Mỹ) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu quý 2/2022 xuống 1,1 triệu thùng/ngày và giảm triển vọng cho cả hai quý còn lại khoảng 500.000 thùng/ngày.

Cũng giống như xăng dầu, nhu cầu đối với hàng hóa cơ bản ở các nước phát triển có xu hướng không thay đổi nhiều theo đà tăng giá cả.

Người mua hàng vẫn phải mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày cho dù có thể chuyển từ những mặt hàng đắt tiền hơn để lấy những mặt hàng thay thế rẻ hơn.

Trong khi đó, các nhà hàng nhận thấy giá cả tăng cao là một trở ngại khi họ cố gắng phục hồi hoạt động kinh doanh hậu COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục