Gia hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 1/4/2015.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02, đồng thời "chốt" thời hạn thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 đến ngày 1/4/2015.

Theo đó, so với Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định cho phép ngân hàng, công ty tài chính thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ.

Tuy nhiên việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện một lần. Ngoài ra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không được tiếp tục cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ đúng theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại...

Quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2015.

Thông tư 09 cũng bổ sung, sửa đổi với các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra. Các khoản nợ này được phân loại tối thiểu vào nhóm 3 và tùy theo thời gian quá hạn kể từ ngày ra quyết định thu hồi nợ hoặc kể từ ngày phải thu hồi theo kết luận thanh tra, các khoản nợ này phải được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 tương ứng.

Trước đó, Thông tư 02 quy định, dựa trên kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) cung cấp, toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ và xếp vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn.

Điều này có nghĩa, một doanh nghiệp có nhiều khoản nợ tại các ngân hàng khác nhau, nếu một khoản nợ tại ngân hàng bất kì bị xếp vào nợ nhóm 5, thì tất cả các khoản nợ tại các ngân hàng khác cũng bị xếp vào nợ nhóm 5. Trước nhiều ý kiến, nếu áp dụng quy định như Thông tư 02, nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng gấp 2 hoặc 3 lần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục