Giá gas bán lẻ trong nước tháng 6 giảm tháng thứ ba liên tiếp

Nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 572,5 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng 5 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.

Chiết nạp gas. (Nguồn: TTXVN)
Chiết nạp gas. (Nguồn: TTXVN)

Với việc giảm giá kể từ ngày mai (1/6), giá gas bán lẻ trong nước đã giảm tháng thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.

Các hãng gas sẽ giảm giá với loại bình gas 12kg, với mức giảm khoảng 3.500 đồng/bình.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 445.400 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.781.500 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 3.400 đồng/bình 12kg và 13.700 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và Thương mại - Tổng Công ty Gas Petrolimex, nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 572,5 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng 5 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần tăng và 3 lần giảm giá.

Trên thị trường thế giới, sáng 31/5, giá gas trở lại đà giảm với mức điều chỉnh dưới 1%.

Thị trường khí đốt châu Âu cũng giảm do công tác bảo trì tại Na Uy được nới lỏng và thời tiết trở nên ấm áp đã hạn chế nhu cầu.

Cụ thể, giá gas vào 8 giờ sáng 31/5 (giờ Việt Nam) giảm 0,7%, xuống mức 2,55 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2024.

Theo Reuters, giá khí đốt của Hà Lan và Anh giảm vào ngày hôm qua 30/5 do sự giảm bớt trong công tác bảo trì giúp dòng chảy từ Na Uy gia tăng.

Cùng đó, yếu tố thời tiết do nhiệt độ ấm lên đã hạn chế nhu cầu sử dụng khí đốt, góp phần khiến giá giảm.

Theo dự báo của Công ty cung cấp dữ liệu tài chính và cơ sở hạ tầng LSEG, nhu cầu tại khu vực phân phối địa phương ở Tây Bắc Âu, nơi chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm trong nhà, ở mức 980 GWh/ngày vào ngày 31/5 sẽ giảm xuống còn 807 GWh/ngày vào cuối tuần.

Nhu cầu yếu hơn cũng trùng hợp với nguồn cung từ Na Uy tăng do hoạt động bảo trì tại nhà máy xử lý khí Kollsness được nới lỏng.

Còn Công ty tư vấn Auxilione lại cho biết các vấn đề về quy trình tại Kollsness vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù có tác động rất nhỏ và dự kiến nó sẽ sớm trở lại hoạt động hết công suất.

Hiện nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine cũng duy trì ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục