Giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động tăng/giảm ở một vài địa phương.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, do các dự báo về hiện tượng thời tiết El Nino khiến lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tăng, đặc biệt là khi Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa có sự giảm giá so với tuần trước ở nhiều loại như: Đài thơm 8 còn ở mức 7.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT giảm 300 đồng/kg, còn 7.800 đồng/kg; giảm mạnh 400 đồng/kg ở OM 5451 còn mức 7.500 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lúa ở Hậu Giang lại đi lên như: IR 50404 lên 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; với mức tăng tương tự OM 18 lên 7.800 đồng/kg. Riêng RVT vẫn ổn định ở mức 8.400 đồng/kg.
[Giá lúa, gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng nhẹ]
Giá lúa tại Tiền Giang cũng tăng giá ở một số loại như: IR 50404 ở mức 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OC10 cũng lên 200 đồng/kg lên mức 6.800 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine vẫn ở mức 7.200 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg.
Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại như, IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 mức 6.700 đồng/kg; Jasmine mức 7.000 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 8.200 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg. Riêng lúa OM 6979 ở Đồng Tháp tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 6.900-7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.500-6.700 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600-6.800 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 6.700-6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 từ 6.700-6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Nếp khô tại An Giang có giá từ 7.400-7.600 đồng/kg; nếp Long An khô từ 7.700-7.900 đồng/kg.
Hướng tới sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp đã được cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích 48.963ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa).
Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.000ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000ha.
Đồng Tháp còn đặt mục tiêu đến năm 2025, cấp mã số vùng trồng lúa đạt 100% diện tích. Đa số nơi được cấp mã vùng trồng lúa có xu hướng dịch chuyển cơ cấu từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.
Tính đến đầu tháng 7/2023, toàn tỉnh An Giang đã thu hoạch được 30.000 ha/228.750 ha vụ Hè Thu, năng suất đạt 5,75 tấn/ha. Ước cả vụ Hè Thu của An Giang sẽ đạt năng suất 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn.
Vụ này, An Giang có 14 công ty, doanh nghiệp và công ty giống liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích trên 145.500 ha, chiếm 63,58% diện tích kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu. An Giang đang tập trung thu hoạch trọn vẹn lúa vụ Hè Thu, bảo vệ năng suất lúa.
Vụ Thu Đông 2023 toàn tỉnh dự kiến xuống giống với hơn 148.100ha. Nếu năng suất lúa bình quân vụ này đạt 6,23 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 923.000 tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 13/7, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 435.629 ha lúa Hè Thu, chiếm 28% diện tích gieo trồng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đã gieo sạ trên 253.600 ha lúa Thu Đông - Mùa.
Về xuất khẩu trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 515-525 USD/tấn, tăng từ mức 510-513 USD/tấn của tuần trước, ghi nhận mức giá cao nhất kể từ năm 2011.
Một thương nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đang dần mạnh hơn do nhiều quốc gia tăng cường dự trữ gạo để đối phó với tác động bất lợi của hiện tượng thời tiết El Nino dự kiến sắp xảy ra.
Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại tẻ, sau nhiều đồn đoán bắt đầu từ tuần trước. Động thái này đã đẩy giá gạo tăng cao hơn, vì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong tuần qua, giá gạo đồ 5% tấm của nước này vẫn giữ ổn định gần mức cao nhất trong 5 năm là từ 421- 428 USD/tấn.
Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu Satyam Balajee của Ấn Độ, Himanshu Agarwal, nói giá gạo Ấn Độ đã ở ngưỡng cao so với thị trường, dẫn đến nhu cầu yếu, mặc dù nguồn cung có xu hướng thu hẹp.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, BV Krishna Rao, nhận định những tin đồn về lệnh hạn chế xuất khẩu gạo đã dẫn tới tâm lý quan ngại trên thị trường, khiến người bán không muốn ký hợp đồng mới. Nhưng ông Rao cũng chia sẻ thêm hoạt động canh tác lúa ở Ấn Độ đã đạt được đà tăng trưởng, nhờ lượng mưa có được trong hai tuần qua.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 515 USD/tấn vào tuần trước, trong bối cảnh nhu cầu cao ổn định.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm trong phiên giao dịch cuối tuần này (22/7), dẫn đầu là lúa mỳ.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2023 đã giảm 10 xu Mỹ (1,83%), còn 5,3625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 giảm 29,5 xu Mỹ (4,06%), xuống 6,975 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2023 giảm 3 xu Mỹ (0,21%), xuống 14,0175 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo nhận định của các nhà phân tích, giá ngô và lúa mỳ sụt giảm là do hoạt động chốt lời của các thương nhân, trong điều kiện thời tiết không tốt và tình hình địa chính trị biến động bất ổn. Trong tuần qua, nhiều thương gia lo ngại rủi ro, dẫn đến khối lượng giao dịch trên sàn CBOT thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng tuần.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng khối lượng giao dịch nông sản sẽ tiếp tục thấp trong những ngày tới, đồng thời cảnh báo các thương nhân không nên bán phá giá.
Việc không có bất kỳ đợt nắng nóng kéo dài nào đang gây áp lực lên giá ngô và đậu tương tương lai, trong khi căng thẳng địa chính trị ở Biển Đen khiến giá lúa mỳ chịu áp lực.
Liên hợp quốc ngày 21/7 đã cảnh báo quyết định không tiếp tục mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine của Nga sẽ khiến tình trạng thiếu hụt lương thực lan rộng.
Argentina dự kiến sắp công bố một chương trình thiết lập tỷ giá hối đoái mới cho các nhà xuất khẩu ngô, để khuyến khích người nông dân bán ngô dự trữ. Ước tính sản lượng ngô dự trữ của nông dân Argentina hiện vào khoảng 22-23 triệu tấn.
Tình trạng khan hiếm mưa được dự báo tiếp tục kéo dài trên khắp miền Trung nước Mỹ, có khả năng gây ra tình trạng hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng.
Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều đi lên. Giá càphê Robusta giao tháng 9/2023 tăng 66 USD, lên 2.602 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 11/2023 tăng 49 USD, lên 2.441 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 9/2023 tăng 3,80 xu Mỹ, lên 161,85 xu Mỹ/lb và càphê Arabica giao tháng 12/2023 tăng thêm 3,25 xu Mỹ, lên 161,55 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).
Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá càphê hai sàn cùng xu hướng hồi phục, nhờ động thái tăng giá đồng Reais đã gây cản trở hoạt động xuất khẩu của các thương gia Brazil và báo cáo tồn kho ICE giảm xuống thấp, cùng các lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn có thể xảy ra.
Còn tại Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng khoảng 1.300-1.400 đồng, được giao dịch quanh ngưỡng 66.000-66.700 đồng/kg./.