Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất một năm qua

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 565-570 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2023 và giảm so với mức 575 USD/tấn của tuần trước.

Gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu giữ ổn định so với tuần trước.

Song giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết các loại lúa tuần qua duy trì ổn định như IR 50404 từ 6.700-6.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.100-7.200 đồng/kg, OM 18 từ 7.000-7.200 đồng/kg, lúa Nhật vẫn không đổi từ 7.800-8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.800-7.100 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg...

Trước diễn biến mưa bão bất thường khiến dịch hại, rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông với mức độ từ nhẹ đến trung bình.

Ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo người dân tăng cường phòng trừ bệnh rầy phấn trắng trên cây lúa để tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Hè Thu.

Vụ Hè Thu 2024, tỉnh An Giang đã xuống giống dứt điểm ngày 15/5, với diện tích 228.139ha, đạt 100,06% kế hoạch xuống giống, tăng 0,11% so cùng kỳ.

ttxvn_1407_thu hoach lua.jpg
Nông dân An Giang thu hoạch lúa Thè Thu năm 2024. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Đến cuối tháng 6/2024, An Giang đã thu hoạch được trên 22.800ha, năng suất trung bình đạt 5,82 tấn/ha, tăng 0,07 tấn/ha so cùng kỳ; các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng, trổ và chín.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến đầu tháng 7, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Hè Thu 2024 được 1,46 triệu ha/1,48 triệu ha kế hoạch.

Cùng với đó, các địa phương cũng thu hoạch được khoảng 388.000ha, với năng suất khoảng 62 tạ/ha.

Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 565-570 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2023 và giảm so với mức 575 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động bán hàng vẫn chậm do người mua kỳ vọng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu gạo.

Trong tháng 6, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 40% so với tháng 5, xuống còn 513.409 tấn.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,55 triệu tấn.

Trong khi giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua thì giá gạo Thái Lan cũng giảm trong tuần này do nhu cầu yếu, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi khả năng Ấn Độ nới lỏng các hạn chế.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức từ 570-575 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, giảm so với mức 585 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết không có đơn đặt hàng lớn nào đến và nguồn cung mới đang hoạt động tốt.

Một thương nhân khác cho biết không có đơn đặt hàng đặc biệt nào và người bán đang dựa vào khách hàng quen thuộc.

Còn tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá từ 539 - 545 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 541-548 USD/tấn của tuần trước, do nhu cầu yếu vì cước phí vận chuyển cao hơn và đồng rupee mất giá.

ttxvn_1407_gao an do.jpg
Công nhân vận chuyển gạo tại nhà máy ở Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhà xuất khẩu ở Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết nhu cầu yếu trong vài tuần qua, khi người mua đang hoãn mua hàng sau khi mua ráo riết vào tháng 5.Trong khi đó, giá gạo nội địa tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp mùa màng thuận lợi và dự trữ dồi dào, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi lũ lụt đã nhấn chìm diện tích đất canh tác rộng lớn, có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng gạo trong tương lai.Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương tại Chicago tăng nhẹ trong phiên 12/7, nhưng đang hướng đến mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 6/2023 do nguồn cung dồi dào, nhu cầu xuất khẩu yếu ớt của Mỹ và dự báo về một vụ mùa bội thu tại Mỹ.

Giá lúa mỳ và ngô kỳ hạn cũng giảm và đang hướng đến mức giảm khi tính chung cả tuần, khi cả hai thị trường này đều đang có nguồn cung dồi dào.

Ông Dennis Voznesenski, nhà phân tích của ngân hàng Commonwealth Bank tại Sydney, cho biết: "Điều kiện tại Mỹ có vẻ rất tuyệt vời đối với đậu tương và ngô. Đây sẽ là một mùa bội thu.”

Trong khi đó, ông Voznesenski cho hay đậu tương và ngô của Nam Mỹ cùng với lúa mỳ ở bán cầu bắc đang được thu hoạch, mang lại nguồn cung mới cho thị trường và gây áp lực lên giá cả.

Hợp đồng đậu tương có kỳ hạn gần nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 0,3% lên 10,75 USD/bushel.

Giá đậu tương đã giảm 5,2% trong tuần qua sau khi giảm xuống 10,615 USD/bushel trong phiên 11/7, mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Giá lúa mỳ trên sàn CBOT giảm 0,5% xuống 5,6825 USD/bushel và giảm 3,8% so với mức đóng cửa cuối tuần trước, sau khi chạm mức thấp ba tháng là 5,56 USD trong phiên 10/7.

Giá ngô trên sàn CBOT giảm 0,2% xuống 4,10 USD/bushel và đang hướng đến mức giảm 3,4% trong tuần. Giá ngô đang ở gần mức thấp nhất bốn năm ghi nhận vào cuối tháng Sáu (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Trước đó trong tuần này, giá cả ba loại nông sản này đều giảm mạnh, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết xếp hạng tình trạng cây trồng của Mỹ đã được cải thiện nhiều hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Các nhà đầu cơ đang đặt cược mạnh vào việc giá cả sẽ giảm thêm.Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi báo cáo cung-cầu của USDA dự kiến được công bố trong ngày 13/7.

Đồng USD giảm mạnh trong phiên 11/7, hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, vì khiến các mặt hàng này rẻ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.

Đối với ngô, cơ quan nông nghiệp Conab ngày 11/7 đã nâng ước tính về sản lượng vụ ngô 2023/24 của Brazil thêm 1,7 triệu tấn.

Đối với lúa mỳ, văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer cho biết Pháp được dự báo sẽ giảm mạnh xuất khẩu và dự trữ trong mùa này do thu hoạch bị ảnh hưởng bởi mưa.

Và sàn giao dịch ngũ cốc Rosario cho biết sản lượng vụ mùa 2024-2025 của Argentina sẽ thấp hơn khoảng 500.000 tấn so với ước tính trước đó do thiếu mưa.

Tuy nhiên, sản lượng thấp hơn của Pháp và Argentina sẽ được bù đắp bởi triển vọng sản lượng đầy hứa hẹn của Mỹ và Nga.

ttxvn_1407_caphe.jpg
Nông dân thu hoạch càphê tại Espírito Santo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về thị trường càphê thế giới, trên thế giới, giá càphê trên hai sàn London và New York tiếp tục đà tăng trong phiên ngày 13/7. Trong đó, giá Robusta trên sàn London giao tháng 9/2024 tăng thêm 41 USD lên mức 4.617 USD/tấn, còn kỳ hạn giao tháng 11/2024 tăng 44 USD lên 4.617 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 9/2024 tăng 3,9 xu Mỹ lên 248,75 xu/lb, còn kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng tới 4,15 xu lên 246,80 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Giá càphê thế giới tăng khá mạnh trong phiên này do đồng USD trượt dốc. Tính đến thời điểm khảo sát, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã rơi xuống mốc 104,08.

Đồng USD giảm trong phiên giao dịch vừa qua trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm 11/7 đã thấp hơn dự kiến, điều này làm tăng dự đoán rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bắt đầu vào tháng Chín.

Giá Robusta kỳ hạn đã tăng khoảng 60% trong năm nay, đạt mức đỉnh mới 4.667 USD/tấn vào hôm 9/7.

Mối lo ngại về nguồn cung càphê thiếu hụt ở vụ thu hoạch tiếp theo càng mạnh mẽ hơn sau khi thời tiết nóng và khô ở một số vùng của Việt Nam đã làm hỏng cây cà phê vào đầu năm nay.

Các vùng trồng càphê hàng đầu của Brazil cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt, đẩy giá Arabica lên cao.

Hôm 9/7, giá càphê Arabica kỳ hạn đã giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm. Sản lượng tại quốc gia này cũng được dự báo sẽ giảm khi vụ thu hoạch có thể bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán cuối năm 2023.

Ông Lavazza - Chủ tịch Công ty rang xay càphê Luigi Lavazza SpA, nhận định giá cao hơn cùng với chi phí vận chuyển tăng (do sự gián đoạn ở Kênh đào Suez và đồng USD mạnh hơn) đã khiến chi phí của các công ty rang xay càphê Italy tăng vọt hơn 800 triệu euro (865 triệu USD) trong hai năm qua.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá càphê ngày 13/7 tăng mạnh tới 2.100 đồng so với phiên trước.

Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, ba huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang giao dịch cùng mức 128.400 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar hôm nay đang thu mua ở mức 129.000 đồng/kg.

Còn huyện Ea H'leo và Buôn Hồ lại đang giao dịch ở mức giá 128.900 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang giao dịch với giá 129.000 đồng/kg, tại Pleiku và La Grai đang cùng giữ mức 128.900 đồng/kg.

Còn giá thu mua tại Kon Tum hôm nay đang là 128.900 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục