Giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ ổn định trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh từ châu Phi, dù nguồn cung gia tăng từ sản lượng vụ mới đã phần nào gây áp lực giảm giá.
Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam giảm do nguồn cung dồi dào, còn giá gạo Thái Lan tăng nhẹ do đồng baht tăng giá.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo giá ở mức 444-450 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 450-458 USD/tấn trong tuần này.
Một nhà phân phối gạo ở New Delhi cho biết đồng rupee giảm giá đang giúp các công ty xuất khẩu chào bán gạo với giá cạnh tranh, dù giá thu mua từ nông dân tăng. Đồng rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần này, làm tăng lợi nhuận của các công ty xuất khẩu.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 509 USD/tấn, giảm so với mức 517 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giá gạo giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung gia tăng.
Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ từ mức 510 USD của tuần trước lên 510-515 USD/tấn. Một thương nhân tại Bangkok cho biết, nhu cầu giao dịch khá trầm lắng ở thời điểm sắp hết năm, đồng thời nói thêm rằng nguồn cung vụ tới sẽ cao do mực nước dồi dào. Một thương nhân khác cho biết, giá tăng nhẹ là do đồng baht mạnh lên.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết các đặc điểm của hiện tượng La Nina đang trở nên rõ rệt khi mùa đông đến gần.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá ngô, đậu tương và lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 13/12, do hoạt động bán ra và doanh số xuất khẩu theo tuần thấp hơn dự đoán.
Giá ngô trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 3,25 xu Mỹ, xuống còn 4,4025 USD/bushel. Trước đó, giá ngô trong hợp đồng này đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng Sáu, ở mức 4,5125 USD/bushel, trong phiên 11/12, sau khi USDA hạ ước tính về lượng ngô dự trữ cuối vụ của Mỹ từ 1,938 tỷ bushel xuống còn 1,738 tỷ bushel.
Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu hàng tuần của USDA mới đây cho thấy doanh số xuất khẩu ròng ngô ròng của Mỹ chỉ ở mức 946.900 tấn, trong khi các nhà phân tích dự báo con số này phải đạt ít nhất 1,1 triệu tấn.
Giá đậu tương trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 9 xu Mỹ, xuống còn 9,8675 USD/bushel, và giá lúa mỳ trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 6,75 xu Mỹ, xuống còn 5,5175 USD/bushel.
Ông Karl Setzer, đối tác của công ty tư vấn Consus Ag Consulting, nhận định sự thiếu ổn định ngày càng tăng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm tới cũng gây áp lực lên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu.
Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc mới đây cho biết tổng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục hơn 700 triệu tấn trong năm 2024, khi nước này đẩy mạnh sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Ông Setzer cũng cho biết thêm, sự không chắc chắn trong dòng chảy xuất khẩu của Mỹ sang Canada trong tương lai cũng gây áp lực lên giá kỳ hạn. Căng thẳng thương mại giữa hai nước đang gia tăng sau khi Canada tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ và Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford cho biết có thể dừng xuất khẩu năng lượng sang Mỹ.
Thị trường càphê thế giới
Giá càphê thế giới đồng loạt giảm trên hai sàn giao dịch trong phiên 13/12. Trên sàn ICE Futures Europe (London), giá càphê Robusta giao tháng 11/2024 giảm 56 USD/tấn xuống 5.138 USD/tấn, trong khi giá trong hợp đồng giao tháng 1/2025 giảm 32 USD/tấn xuống 5.120 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US (New York), giá càphê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 3,90 xu Mỹ/lb xuống 317,35 xu/lb, còn giá trong hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm 4,05 xu/lb xuống 314,95 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Trái ngược với diễn biến trên thị trường thế giới, ở thị trường trong nước, giá càphê ngày 14/12 tại khu vực Tây Nguyên tăng trở lại, trung bình ở quanh mốc 123.700 đồng/kg. Cụ thể, giá càphê hôm nay tại Đắk Lắk và Gia Lai tăng 1.000 đồng/kg lên 124.000 đồng/kg, còn giá càphê tại Lâm Đồng tăng 700 đồng/kg lên 122.700 đồng/kg, trong khi giá càphê tại Đắk Nông tăng 1.000 đồng/kg lên 124.200 đồng/kg.
Tại Việt Nam - nhà sản xuất Robusta hàng đầu thế giới, mưa trái mùa đã quay trở lại, làm gián đoạn vụ thu hoạch. Tình hình này đang làm dấy lên những lo ngại mới về chất lượng hạt càphê, gây áp lực lên thị trường cung ứng.
Do Robusta và Arabica có thể thay thế cho nhau ở một mức độ nhất định, sự thiếu hụt nguồn cung của một loại có thể làm gia tăng nhu cầu đối với loại còn lại. Điều này khiến thị trường càphê toàn cầu càng thêm biến động./.
Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD
Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.