Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ biến động ngược chiều, gạo Việt Nam giảm nhẹ

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 565 USD/tấn vào ngày 26/9, giảm từ mức 575-580 USD/tấn của tuần trước,
giá giảm do sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Kho gạo của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Kho gạo của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thị trường gạo châu Á

Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, trước áp lực từ nhu cầu trầm lắng và sự cạnh tranh từ các đối thủ có giá rẻ hơn.

Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ tăng do đồng rupee mạnh lên, dù nhu cầu từ người mua ở châu Á và châu Phi vẫn yếu.

Gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 550-560 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và giảm so với mức 562-565 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết gạo Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ có giá thấp hơn. Một thương nhân khác cho hay thị trường đang chờ đợi những thay đổi trong chính sách về gạo của Ấn Độ trong những tháng tới.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 530-536 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 528-534 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Mumbai cho biết đồng rupee mạnh đang đẩy giá gạo lên. Nhu cầu của thị trường đối với gạo của Ấn Độ vẫn còn yếu, khi người mua đang trì hoãn mua vào với hy vọng Ấn Độ sẽ cắt giảm thuế xuất khẩu.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 565 USD/tấn vào ngày 26/9, giảm từ mức 575-580 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá giảm do sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Còn tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng trở lại trong tuần này. Một số thương nhân cho rằng sự gia tăng này là do nguồn cung bị gián đoạn do lũ lụt hồi đầu tháng.

Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 27/9, giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong hai tháng, do lo ngại về thiệt hại đối với vụ mùa và cơ sở hạ tầng ở khu vực Bờ Vịnh Mexico của Mỹ, sau khi cơn bão Helene đổ bộ.

Giá ngô kỳ hạn cũng tăng, trong khi giá lúa mỳ kỳ hạn giảm do áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp ở Biển Đen.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá đậu tương giao tháng 11/2024 tăng 24,75 xu Mỹ lên 10,6575 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt mức 10,6950 USD/bushel, mức cao nhất của hợp đồng này kể từ ngày 26/7.

ttxvn-dau tuong.jpg

Giá ngô tăng 4,25 xu Mỹ lên 4,18 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao tháng 12/2024 giảm 4,25 xu Mỹ xuống 5,80 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Trong bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, công ty công nghệ vũ trụ Maxar cho biết, những cơn mưa trên diện rộng do ảnh hưởng của bão được dự đoán sẽ làm chậm quá trình thu hoạch đậu tương và ngô ở phía nam vùng Trung Tây và vùng đồng bằng phía Bắc trong vài ngày tới. Tuy nhiên, hoạt động thu hoạch ở những nơi khác trong "vựa ngô" của Mỹ được dự đoán vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Trong khi đó, thị trường lúa mỳ vẫn chịu áp lực khi nguồn cung của Nga tiếp tục chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, trong khi doanh số bán lúa mỳ của Mỹ tụt lại phía sau trong báo cáo mới nhất.

Thị trường càphê thế giới

Giá càphê thế giới ngày 27/9 giảm mạnh sau chuỗi bốn ngày tăng liên tiếp. Giá càphê Robusta giao tháng 11/2024 trên sàn London giảm 45 USD, hay 0,81%, xuống 5.482 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 1/2025 giảm 39 USD, hay 4,16%, xuống 5.203 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 4,75 xu Mỹ, hay 1,73%, xuống 269,15 xu/lb, và kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 4,85 xu, hay 1,78%, xuống 266,90 xu/lb. (1 lb = 0,4535 kg)

ttxvn_caphe_the_gioi_2709-2.jpg
Nông dân thu hoạch cà phê tại Espírito Santo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân chính đẩy giá càphê tăng cao trong thời gian qua là do thời tiết cực đoan tác động tiêu cực đến triển vọng nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chủ chốt. Sau 4 ngày tăng, thị trường có nhịp điều chỉnh là điều được dự báo trước.

Theo dự báo của hãng tư vấn Hedgepoint, sản lượng càphê toàn cầu sẽ tiếp tục thiếu hụt năm thứ tư liên tiếp, do tình trạng khô hạn kéo dài khiến sản lượng của Brazil và Việt Nam suy giảm.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá càphê giảm nhẹ về khoảng 121.300-122.500 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, ba huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang giao dịch càphê cùng mức 121.300 đ/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục