Khoảng 2 tháng nay, người trồng dừa ở Trà Vinh rất phấn khởi bởi giá dừa khô liên tục tăng.
Hiện, dừa khô được thương lái mua tại vườn có giá 110.000 đồng/chục (12 quả), tăng 30.000 đồng/chục so với 2 tháng trước đó.
Gia đình ông Trần Quốc Đạt, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, vừa thu hoạch vườn dừa 1ha của gia đình, năng suất đạt khoảng 1.200 quả. Với giá bán 110.000 đồng/chục, ông thu nhập gần 10 triệu đồng. Mức giá này khá cao so với 2 năm trở lại đây.
Ông Đạt chia sẻ cây dừa không mất nhiều chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi năm cho thu hoạch 10 lần, mỗi lần khoảng 1.200 quả, nên diện tích dừa này giúp gia đình ông có thu nhập khá ổn định. Tính theo giá bán bình quân 80.000 đồng/chục thì vườn dừa này cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/năm.
Hiện nay, dừa khô ở Trà Vinh chủ yếu được thương lái ở tỉnh Bến Tre thu mua. Theo một số thương lái, giá dừa tăng do thị trường đang cần nguồn cung lớn để làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán. Cùng với đó, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa đang thu gom nguyên liệu để hoạt động trở lại nên giá dừa khô tăng mạnh.
[Trà Vinh: Giá dừa khô tăng cao trong mùa dừa treo buồng]
Trà Vinh có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với gần 23.700ha, cho sản lượng hơn 300.000 tấn quả/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành; trong đó, dừa trồng lấy trái khô chiếm 2/3 diện tích.
Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu giữ ổn định diện tích trồng dừa từ 24.000-25.000ha, sản lượng đạt khoảng 350.000-375.000 tấn. Giai đoạn này, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu xây dựng 12 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho cây dừa, với tổng diện tích khoảng 1.800ha.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp cải tạo các vườn dừa bị lão hóa, thay thế bằng các giống năng suất cao thích nghi với điều kiện sản xuất địa phương, phù hợp thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngành cũng khuyến khích nông dân canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ. Đồng thời, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ để cải tiến quy trình canh tác hiện đại.
Ngành nông nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tổ chức liên kết nông dân trong sản xuất nhằm tăng cường năng lực tiếp cận thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, chia sẻ học tập kinh nghiệm lẫn nhau; thắt chặt liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa, giúp nông dân an tâm đầu tư thâm canh, ổn định sản xuất./.