Gia đình nghệ nhân miệt mài gìn giữ dòng tranh dân gian vùng Kinh Bắc

Gắn bó gần đời người với những bức tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn hằng ngày cầm bút vẽ giá trị văn hóa lên những tờ giấy dó.
Lớn lên cùng mùi thơm của hồ và âm thanh giã nghiền vỏ điệp, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có hơn nửa thế kỷ miệt mài với bút lông và giấy dó tạo nên những bức tranh dân gian Đông Hồ - một dòng tranh quý của xứ Kinh Bắc xưa nay. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trải qua bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử, có lúc tưởng chừng như dòng tranh quý mai một nhưng gia đình nghệ nhân vẫn cần mẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những chất liệu dân gian cùng hình ảnh quen thuộc hằng ngày vẫn hiện mình lên tờ giấy dó dưới bàn tay và trái tim nhiệt huyết với nghề. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ông Quả bảo rằng không chỉ đơn thuần là một bức tranh, mỗi bức tranh là một thông điệp, có khi là những lời răn rạy hay mong ước về những điều tốt lành trong cuộc sống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tranh dân gian Đông Hồ mượn những hình ảnh thân thuộc như con gà, đàn lợn, chú bé chăn trâu rất đỗi gần gũi với cuộc sống để thể hiện những câu chuyện văn hóa một cách tinh tế và khéo léo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tiếp nối truyền thống 14 đời làm tranh dân gian của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo là con trai của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng bỏ phố về quê nối nghiệp cha mình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sống trong gia đình có truyền thống nhiều thế hệ làm tranh dân gian Đông Hồ, anh Đạo sớm được tiếp xúc với những câu chuyện trong tranh. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm 3 năm, anh lại trở về ngôi làng bên dòng sông Đuống viết tiếp những trang sách của người làm tranh truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Anh được trao tặng nghệ nhân năm 34 tuổi, là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ở gia đình 'tam đại đồng đường' cũng là cả 3 thế hệ gắn gó với nghề làm tranh dân gian truyền thống, Nguyễn Hữu Minh Đăng năm nay lên 7 cũng đã 'chập chững' quan tâm về nghề của bố và ông nội mình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nghệ nhân Quả tự hào, thấy niềm tin về nghề mang đậm văn hóa truyền thống vẫn âm ỉ chảy trong gia đình mình, ông thấy cả hình ảnh của mình và cậu con trai hồi nhỏ khi thấy cháu sau giờ học lại quấn quít bên tranh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngoài giờ học trên lớp, Minh rất hứng thú với những bức tranh mà bố với ông nội làm, tò mò và lắng nghe về câu chuyện mà tranh Đông Hồ kể, bắt đầu làm quen từ việc tô màu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Qua những cuộc thăng trầm, tranh Đông Hồ vẫn giữ được chỗ đứng riêng của mình. Nhờ có những cây măng dưới cội tre già mà tranh Đông Hồ vẫn được lưu truyền, là tài sản quý báu của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục