Gia đình nghệ nhân hơn nửa thế kỷ gìn giữ nghề truyền thống 'hóa thổ thành kim'

Tiếp nối hành trình qua nhiều thế kỷ của làng gốm Bát Tràng, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi và Phạm Thị Châu vẫn gìn giữ ‘hồn cốt’ của làng nghề và phát triển sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Lợi là người con của mảnh đất Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã có hơn nửa thế kỷ người với đất quấn quít bên nhau. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ông Lợi luôn cảm thấy may mắn khi lớn lên trong một làng nghề truyền thống và gia đình theo nghề này. Từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với mùi đất và bàn xoay. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo lời ông Lợi kể, thế hệ đầu tiên trong gia phả nhà ông làm nghề từ năm 1736. Kinh nghiệm làm gốm từ thời đầu rất sơ khai, tuy nhiên những sản phẩm vẫn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm nghề. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sau năm 1986, làng nghề được phát triển tự do và nhiều gia đình đã có xưởng riêng, từ đó, mỗi gia đình đều tìm hướng đi riêng cho sản phẩm gốm của mình nhưng vẫn gìn giữ cốt lõi là những tinh hoa mà cha ông để lại. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ông Lợi luôn cảm thấy may mắn khi vợ mình là bà Phạm Thị Châu, đồng hành và bổ trợ trong chặng đường gìn giữ nghề cha ông, cùng nhau phát triển tạo ra những sản phẩm vươn mình ra thị trường quốc tế. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nghệ nhân Phạm Thị Châu cùng ông Lợi được phong nghệ nhân năm 2003, là người ‘tô điểm’ thêm phần hồn cho những sản phẩm gốm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cặp vợ chồng nghệ nhân đã phục dựng thành công men gốm màu lục, nâu mật của thời nhà Lý hay dòng men xanh tràm theo phong cách thời Lê và thời Trần. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Gia đình luôn kiên định giữ nét tinh hoa truyền thống nhưng phát triển dựa trên gốc để có sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường nước ngoài. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hiện gia đình có dòng men Raku đặc trưng được lấy cảm hứng từ một dòng gốm cổ, xuất phát từ Nhật Bản những năm 1550, thường phục vụ trong các nghi thức về trà đạo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sau gần 4 năm nghiên cứu, dòng men gốm này đặc trưng về tạo màu sắc ‘thiên biến vạn hóa’ phụ thuộc vào nhiệt độ lò, độ dày sản phẩm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Dòng gốm này phải trải qua 2 lửa, sau đó dùng vỏ bào hoặc chấu phủ lên và úp lại để yếm khí khiến dòng men tự ‘phát màu.’ (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Mỗi sản phẩm làm ra gần như độc bản tuy nhiên đến nay ông đã nghiên cứu để kiểm soát màu và đáp ứng thành công thị trường Canada, Anh, Hà Lan. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Gia đình ông Lợi và bà Châu cũng như những người dân Bát Tràng khác vẫn bền bỉ gìn giữ hồn cốt làng nghề: “Bạch bát chân truyền nê tác bảo - Hồng lô đào chú thổ thành kim,” tức "Truyền nghề làm bát bùn hóa quý - Lò lửa hun đúc đất thành vàng." (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục