Gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX theo đuổi vụ kiện

Các gia đình nạn nhân cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã lừa dối về việc liệu cơ quan này có điều tra hình sự hay không, sau đó lại bí mật thỏa thuận với Boeing mà không thông báo cho họ.
Máy bay Boeing 737 MAX tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/2, người nhà của các nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX đã kháng cáo việc một thẩm phán Mỹ ra phán quyết từ chối yêu cầu khởi tố công ty này, thông qua việc bác bỏ hoặc xem xét lại thỏa thuận dàn xếp giữa Boeing và Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong đơn kháng cáo nộp lên Tòa phúc thẩm liên bang số 5, các gia đình nạn nhân cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã lừa dối về việc liệu cơ quan này có điều tra hình sự hay không, sau đó lại bí mật thỏa thuận với Boeing mà không thông báo cho họ.

Vào tháng 1/2021, Boeing đã đạt được Thỏa thuận dàn xếp giải quyết vụ việc để tránh bị truy tố hình sự (DPA) với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép Boeing miễn trừ truy tố hình sự về các cáo buộc âm mưu gian dối khi che dấu lỗi thiết kế máy bay - vốn là nguyên nhân gây tai nạn.

Đổi lại, Boeing phải trả 2,5 tỷ USD tiền phạt và bồi thường cho chính phủ, các hãng hàng không và quỹ hỗ trợ nạn nhân.

Tháng 10/2022, Thẩm phán Reed O'Connor thuộc tòa án sơ thẩm liên bang ở Texas đã ra phán quyết khẳng định 346 người thiệt mạng trong hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX vào năm 2018 và 2019 là các nạn nhân hợp pháp và cho rằng Bộ Tư pháp đã không tuân thủ các nghĩa vụ.

[Hãng Boeing báo lỗ hơn 660 triệu USD trong quý 4 năm 2022]

Bên cạnh đó, thẩm phán O'Connor cũng từ chối yêu cầu của Hãng hàng không quốc gia Ba Lan PLL LOT và Tập đoàn hàng không Séc Smartwings về coi họ là nạn nhân hình sự trong hai vụ rơi máy bay trên, một động thái có thể giúp họ đủ điều kiện nhận bồi thường.

Hiện tại, hai hãng hàng không đang tiến hành các vụ kiện riêng đối với Boeing để nhận tiền bồi thường như một phần của DPA. Hai vụ kiện này đang được thụ lý ở thành phố Seattle.

Mẫu máy bay Boeing 737 MAX - sản phẩm bán chạy nhất của Boeing - đã bị cấm bay trên toàn thế giới trong 20 tháng kể từ tháng 3/2019, sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng ở Indonesia và Ethiopia. Biện pháp này đã khiến Boeing thiệt hại hơn 20 tỷ USD.

Trong phiên tòa vào tháng 1/2023, Boeing đã từ chối nhận tội, phản đối việc xem xét lại DPA và Bộ Tư pháp Mỹ cũng có động thái tương tự. Boeing khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ thỏa thuận và thực hiện những cải tiến quan trọng đối với dòng máy bay trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục