Giá điện tăng, thay đổi thói quen và tư duy sử dụng điện của người dân

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình và coi đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp thay đổi thói quen và tư duy sử dụng điện của người dân, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải và phát triển bền vững.

Khai thác nguyên khai. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Khai thác nguyên khai. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Thực hiện Quyết định 1416/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành ngày 8/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó, từ ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình và coi đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp thay đổi thói quen và tư duy sử dụng điện của người dân, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải và phát triển bền vững.

Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV):

Mỗi năm doanh nghiệp sử dụng khoảng 1,4 tỷ kWh phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất than, alumin và khoáng sản; trong đó riêng điện phục vụ sản xuất than là gần 700 triệu kWh. Khi điều chỉnh giá điện, tất nhiên doanh nghiệp sẽ tăng thêm chi phí đầu vào cho sản xuất, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã lường trước được việc này và không bất ngờ bởi điều này đã được dự báo trước.

Vì vậy, trước đó đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững, như ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng thay thế điện năng trong sinh hoạt và đời sống; nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, người lao động về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

[Điện tăng giá, doanh nghiệp ximăng gặp khó khăn kép]

Dẫn chứng cụ thể như Công ty Cổ phần Than Hà Tu đang vận hành 12 máy khoan xoay cầu với sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất mỏ - gần 5,6 triệu kWh. Để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo năng suất, sản lượng, Than Hà Tu đã thay thế biến tần khởi động mềm cho động cơ khoan và thay máy cắt điện cầu dao dầu sang máy cắt điện chân không rơ le kỹ thuật số tại tủ điện 6kV. Nhờ vậy, 1 mét khoan của máy giờ đây chỉ sử dụng hết 0,3 kWh, giảm một nửa so với thời gian trước.

Ngoài máy khoan, 11 máy xúc điện EKG phục vụ xúc bốc ở khai trường dự án Bắc Bàng Danh cũng tiêu tốn trên 5,3 triệu kWh mỗi năm. Chi phí điện năng cho hệ thống thiết bị lớn, nhưng Than Hà Tu luôn đảm bảo máy móc hoạt động liên tục để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Muốn tiết kiệm điện, đơn vị đã chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất như gương tầng công tác, đất nổ mìn, nền máy... Các thiết bị được bố trí và cân đối đủ cho các phương tiện vận tải làm việc liên tục, tránh tình trạng máy xúc điện chạy không tải chờ xe.

Than Hà Tu sử dụng điện khoảng 22 triệu kWh/năm, tương đương tổng chi phí tiền điện từ 31-36,5 tỷ đồng/năm. Chi phí điện năng được phân bổ cho các thiết bị khai thác dùng điện, như máy khoan xoay cầu, máy xúc EKG, hệ thống bơm nước moong, hệ thống sàng tuyển, các hoạt động khâu phục vụ như sửa chữa, đời sống.... Nhờ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trung bình mỗi năm, Than Hà Tu tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng tiền điện.

Còn đối với các đơn vị khai thác than hầm lò, thông gió mỏ là lĩnh vực chi phí năng lượng lớn nhất, chiếm từ 20-40% điện năng tiêu thụ của mỏ. Theo thiết kế, các quạt gió chính có công suất động cơ từ hàng trăm đến trên nghìn kW và hoạt động suốt ngày đêm để cung cấp đủ lượng gió cần thiết, phục vụ các diện sản xuất.

dien1.JPG
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Với mục đích tiết kiệm điện năng, mỏ Than Hà Tu đã lựa chọn phương án điều chỉnh chế độ làm việc của trạm quạt gió theo yêu cầu thực tế của các hộ tiêu thụ gió nói riêng và toàn mỏ nói chung; áp dụng thiết bị biến tần để đưa đặc tính quạt gió chính về công tác ở chế độ phù hợp thông qua việc thay đổi tốc độ quay của động cơ quạt, làm giảm điện năng thông gió chung, góp phần giảm giá thành khai thác than. Không chỉ tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất chính, các đơn vị cũng đã nghiên cứu, sử dụng nguồn năng lượng thay thế điện năng ở khâu phụ trợ.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Aspeed:

Điện tăng giá sẽ làm thay đổi thói quen của người dùng điện trong một khoảng thời gian ngắn. Mọi người có thể sẽ chú ý hơn đến việc tiết kiệm điện, ngắt điện với các thiết bị không cần thiết. Với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất thì đây sẽ là bài toán đau đầu vì sẽ tốn nhiều chi phí hơn cho sản xuất. Chắc chắn giá vốn sản phẩm sẽ bị đội lên. Vì thế sẽ xảy ra 2 tình huống: một là nhà sản xuất sẽ đẩy giá bán lên cao; hai là nhà sản xuất sẽ phải giảm lợi nhuận để giữ giá sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiện tại không chỉ ngành công nghiệp sản xuất mới phải dùng điện, mà các ngành công nghiệp khác hay ngành nông nghiệp cũng đang dùng điện lưới với công suất rất lớn. Nên chăng, cần có cơ cấu giá thành hợp lý hơn cho việc sử dụng điện của các doanh nghiệp, phù hợp với quy mô và nhu cầu tiêu thụ điện của họ.

Bà Đặng Thị Sinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du học quốc tế WOORI:

Là đơn vị hơn 10 năm hiện diện tại thị trường du học Việt Nam, WOORI từng chứng kiến ít nhất là 3-4 lần tăng giá điện. Mức tăng lần này khoảng 4,5%, thực tế không cao và phù hợp với diễn biến chung của thị trường khi tình hình nguồn cung nguyên, nhiên liệu ngày càng khan hiếm và khó khăn. Đây là vấn đề của toàn cầu và việc doanh nghiệp cần có ý thức chia sẻ cùng Chính phủ với những áp lực của nền kinh tế là đương nhiên.

Cũng có rất nhiều giải pháp và cách thức để doanh nghiệp tự thoát khỏi áp lực về chi phí. Ví dụ như thử nghiệm các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các thiết bị an toàn cũng có thể giúp giảm thiểu việc sử dụng năng lượng từ 10-15%. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại các chi phí khác chứ không riêng gì giá điện để thiết kế mức giá thành hợp lý cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Nâng tính cạnh tranh cho sản phẩm dịch vụ hay của chính doanh nghiệp thì yếu tố giá thành là rất quan trọng. Không thể do tăng giá điện mà nâng giá sản phẩm, bởi đó không phải cách kinh doanh ổn định và bền vững.

Xu thế phát triển, buộc các doanh nghiệp phải vận dụng sức sáng tạo, trí tuệ và tính linh hoạt trong quá trình hoạt động, nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị các chi phí đầu vào và gia tăng những giá trị, tiện ích tăng thêm cho khách hàng. Chắc chắn, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Tôi tin, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đứng vững trước thách thức này./.

Tin cùng chuyên mục