Giá điện tăng 3% ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp?

Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm hơn và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Giá điện mới đây đã tăng 3%, được dự báo sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền điện phải trả thêm của người dân.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho biết, mức tăng này là khá nhẹ và trong bối cảnh nguồn cung năng lượng thiếu như hiện nay, hoạt động kinh doanh của ngành điện gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan thì việc tăng giá điện hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ.

Tác động không lớn

Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), bà Trịnh Thị Ngân, Chính phủ vừa quyết định tăng giá điện 3% và mức tăng này là hợp lý.

Qua đợt công bố chi phí giá thành điện vừa rồi, ngành điện đang chịu khoản lỗ rất lớn. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan như giá nguyên nhiên liệu cho phát điện tăng đột biến, lượng nước về các hồ thủy điện cũng hạn chế nên các nguồn điện giá rẻ được khai thác tối đa.

Tác động của giá điện tăng 3% tới hoạt động của doanh nghiệp là có, song không thực sự lớn. Doanh nghiệp có thể thực hiện bù đắp bằng việc tăng năng suất lao động và giảm thiểu những chi phí sản xuất khác.

"Với mức tăng giá 3% cũng chưa phải là nhiều để bù đắp được con số lỗ lớn của ngành điện. Doanh nghiệp, người dân phải tăng thêm chi phí nhưng vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia chúng ta nên cố gắng đồng hành cùng với ngành điện,” bà Ngân nói.

Ngành điện trong giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19 ngoài việc vẫn đảm bảo dòng điện ổn định, an toàn thì cũng không thực hiện tăng giá để đồng hành sẻ chia với người dân.

Bên cạnh đó, bản thân ngành điện cũng đã có hỗ trợ tiền điện hàng chục nghìn tỷ đồng tới các hộ tiêu dùng điện. Đây là lúc ngành điện cần sự đồng hành, sẻ chia của mọi tầng lớp để cùng vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển, bà Ngân chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, tăng giá điện là doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí sản xuất.

Dự tính mỗi tháng, SKD sẽ phải bỏ thêm 4-5 triệu đồng cho chi phí tiền điện. Trong bối cảnh lạm phát ở một số quốc gia, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí để chia sẻ với ngành điện.

"Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại. Nhiều năm qua, ngành điện đã có những sự đầu tư cho công nghệ, chất lượng dịch vụ. Do vậy, bản thân chúng tôi cũng cảm thông và chia sẻ, để làm sao có được nguồn điện ổn định, an toàn cho nhân dân sử dụng," ông Kết nói.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung - cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao.

Chi phí nhiên liệu mà ngành điện phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo.

Giám đốc Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật năng lượng Hoàng An, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng tăng giá điện cũng là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Tăng giá bán lẻ điện để mọi người sử dụng tiết kiệm hơn, nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm.

Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

[Tăng giá điện từ ngày 4/5: Mỗi hộ dân phải trả thêm bao nhiêu tiền?]

Mặt khác nếu không tăng giá bán lẻ điện kịp thời ở mức phù hợp khi đó dự kiến tổng số lỗ luỹ kế của ngành điện hai năm 2022 và 2023 khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao, ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Tiết kiệm để thích ứng

Điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Các chuyên gia cho biết, tăng giá điện sẽ gây áp lực lên lạm phát (dự kiến khoảng 0,2%). Do vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp sẽ sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm hơn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Kết cho hay, không chỉ khi giá điện tăng doanh nghiệp mới có ý thức tiết kiệm, mà luôn có giải pháp để giảm chi phí, giá thành cạnh tranh, trong đó, thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động, nhà xưởng sản xuất là rất quan trọng.

Vì thế, việc tuyên truyền cho công nhân các lợi ích của việc tiết kiệm điện và các loại năng lượng khác, tiến hành phát động các phong trào thi đua và tổ chức các hoạt động khen thưởng tập thể, cá nhân có ý thức trách nhiệm trong tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc chung của công ty.

Cùng với đó, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng năng lượng để có thể mang lại hiệu quả cao.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trọng, cần thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị cũ thông thường sẽ tiêu tốn một lượng điện năng lớn để tải nên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí điện năng, ngoài ra, một số thiết bị, máy móc cũ lâu đời còn có thể rò rỉ điện và gây nguy cơ cháy nổ.

Vì vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc thay thế bằng các thiết bị hiện đại khác vừa an toàn vừa tiết kiệm hơn, lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao, bao gồm các động cơ, chiếu sáng, máy bơm, các thiết bị nhiệt và thông gió…

Ngoài ra, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và thậm chí có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho nhà cung cấp.

Trong không gian làm việc, có thể bố trí các trang thiết bị điện: đèn, quạt, vi tính, điều hoà nhiệt độ… một cách hợp lý, tránh lãng phí.

Có thể nhận thấy giá điện tăng 3% tác động tới doanh nghiệp và người dân là không đáng kể. Điều đáng ngại là nhiều sản phẩm, loại hình dịch vụ sẽ "vin" vào đó để tăng giá, té nước theo mưa.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có chính sách tổng thể để bình ổn mặt bằng giá. Yêu cầu tất cả doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi giá điện tăng 3%, tránh tình trạng điện tăng 3% thì doanh nghiệp cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn.

Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục