Giá vàng giảm trong phiên giao dịch chiều ngày 13/5 tại thị trường châu Á, đi ngược đà tăng gần đây, khi các nhà giao dịch chuyển hướng sang đồng USD trước dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần.
Giá vàng đã tăng mạnh trong tuần trước, khi một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt làm dấy lên suy đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục đạt được trong tháng 4/2024 và dự kiến sẽ ít biến động trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát trong tuần này.
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay giảm 12,09 USD (0,51%), xuống 2.348,05 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn cũng giảm 9 USD (0,38%), xuống 2.358,30 USD/ounce.
Dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 4 sẽ được công bố vào ngày 14/5, trong khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ có vào ngày sau đó.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát tăng cũng có khả năng làm giảm thêm kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất trong năm nay, thúc đẩy đồng USD mạnh lên và gây áp lực lên giá vàng. Đồng USD ổn định sau những biến động gần đây.
Dữ liệu cuối tuần trước cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ suy yếu đáng kể trong tháng 5/2024, nhưng dự báo lạm phát vẫn ở mức cao trong năm tới.
Giá dầu tiếp tục lùi sâu
Giá dầu nối dài đà giảm vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 13/5, do nhu cầu nhiên liệu yếu và bình luận từ các quan chức Fed làm giảm hy vọng về khả năng cắt giảm lãi suất, yếu tố có thể cản trở tăng trưởng và giảm nhu cầu năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 82,72 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 5 xu, xuống 78,21 USD/thùng.
Nhà phân tích độc lập Tina Teng ở Auckland cho biết: "Thị trường dầu mỏ đã giảm bớt tác động của các cuộc xung đột ở Trung Đông và một lần nữa chuyển sự chú ý của họ sang triển vọng kinh tế thế giới."
Theo nhà phân tích này, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm trong tháng 4/2024, cho thấy nhu cầu kinh doanh vẫn ảm đạm, đồng thời cho biết thêm rằng dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cũng cho thấy sự chậm lại.
Cả hai giá dầu chủ chốt này đều giảm khoảng 1 USD vào cuối tuần trước, khi các quan chức Fed tranh luận liệu lãi suất của Mỹ đã đủ cao để đưa lạm phát trở lại mức 2% hay chưa, bù lại mức tăng đầu tuần trước do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong thời gian dài hơn, qua đó hỗ trợ đồng USD. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng "đồng bạc xanh" trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ những loại tiền tệ khác.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu cũng chịu sức ép giảm do nhu cầu yếu, khi dự trữ xăng dầu và nhiên liệu chưng cất của Mỹ tăng trong tuần trước, ngay khi mùa cao điểm dịch chuyển của Mỹ đang tới gần.
Tuy nhiên, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, có thể kéo dài việc cắt giảm nguồn cung sang nửa cuối năm nay. Đầu tháng này, OPEC+ đã kêu gọi Iraq cắt giảm sản lượng khai thác đang vượt quá hạn ngạch của họ, tổng cộng 602.000 thùng/ngày trong ba tháng đầu năm 2024.
Tổ chức này cho biết Iraq đã đồng ý bù đắp bằng việc cắt giảm sản lượng bổ sung trong phần còn lại của năm.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 13/5, khi các nhà giao dịch bớt hưng phấn sau những tuần tăng mạnh trước đó.
Thị trường còn tiếp nhận dữ liệu yếu kém từ kinh tế Trung Quốc và tin tức cho hay Chính phủ nước này có kế hoạch bán gần 140 tỷ USD trái phiếu để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.Các báo cáo cùng ngày cho biết Nhà Trắng có kế hoạch tăng thuế đối với những sản phẩm năng lượng sạch từ Trung Quốc, trong khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh và kỳ vọng lạm phát tăng đã đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư.
Số liệu trên được đưa ra sau đợt phục hồi gần đây trên các thị trường thế giới được thúc đẩy bởi sự lạc quan rằng Fed và những ngân hàng trung ương lớn khác sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 49,65 điểm (0,13%), xuống mức 38.179,46 điểm. Các nhà đầu tư tại thị trường Tokyo phần lớn giữ lập trường chờ đợi trước khi các doanh nghiệp lớn nước này công bố báo cáo thu nhập hàng quý, cũng như dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc phiên 13/5 gần như không thay đổi, do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước việc công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Chỉ số Kospi giảm nhẹ 0,42 điểm, tương đương 0,02%, xuống 2.727,21 điểm. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động trái chiều, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng điểm khi các nhà giao dịch hoan nghênh thông tin Trung Quốc sẽ bắt đầu bán gần 140 tỷ USD trái phiếu Chính phủ để giúp thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhu cầu thị trường suy yếu làm giá dầu châu Á đi xuống vào sáng 13/5
Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 26 xu Mỹ (0,3%) xuống 82,53 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn giảm 23 xu Mỹ (0,3%) xuống 78,03 USD/thùng.
Chỉ số Hang Seng tăng 0,80%, tương đương 151,38 điểm, lên 19.115,06 điểm. Nhưng chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,21% tương đương 6,53 điểm, xuống 3.148,02 điểm.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 13/5, VN-Index giảm 4,52 điểm xuống 1.240,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 741,5 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 17.214,1 tỷ đồng.
Toàn sàn có 203 mã tăng giá, 233 mã giảm giá và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng nhẹ 0,68 điểm lên 236,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 80,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.673,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 105 mã tăng giá, 69 mã giảm giá và 65 mã đứng giá./.