Giá dầu tuần qua chạm đỉnh cao trong nhiều tháng

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã đi lên và lập những mức giá đỉnh cao trong nhiều tháng qua.

Được hậu thuẫn bởi một loạt yếu tố mang tính hỗ trợ, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã đi lên và lập những mức giá đỉnh cao trong nhiều tháng qua.

Trước hết, vào đầu tuần, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái bảo đảm về sự ổn định của chính sách tiền tệ đã làm an lòng các nhà đầu tư và đưa các thị trường, trong đó có thị trường dầu mỏ, đi lên khá mạnh.

Tại phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ kể từ khi đảm trách cương vị Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen đã cam kết rằng Fed vẫn sẽ dựa trên mức độ cải thiện của nền kinh tế để duy trì việc rút giảm dần gói QE3.

Tiếp đến, việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công, theo đó gia hạn thêm một năm quyền vay mượn của Bộ Tài chính để tránh cho nước Mỹ khỏi bị rơi vào tình trạng vỡ nợ, việc có thể gây sốc cho thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu, cũng khiến nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng của thị trường.

Liền sau đó là một loạt những điều chỉnh nâng dự báo về nhịp độ tăng trưởng nhu cầu dầu trên thế giới trong năm 2014 của các cơ quan chuyên ngành và tổ chức lớn, gồm Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Trong báo cáo được công bố ngày 13/2, IEA đã dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng 125.000 thùng/ngày lên 92,6 triệu thùng/ngày. Trước đó, EIA và OPEC cũng đã đồng loạt điều chỉnh nâng dự báo về nhịp độ tăng nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2014.

Thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin cho hay lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - trong tháng 1/2014 đã 5,2% so với tháng 12/2013, lên 6,63 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng Một, thặng dư thương mại của Trung Quốc lại phình lên, với xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng lần lượt là 10,6% và 10%. Những con số này làm nguôi ngoai mối lo về nguy cơ sa sút của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một yếu tố khác hỗ trợ thị trường năng lượng trong tuần qua là khả năng gián đoạn nguồn cung từ Libya do những bất ổn về địa chính trị tại nước này.

Ngoài ra, thị trường năng lượng nóng lên trong tuần qua còn là do việc khu vực Bắc Mỹ đã và vẫn đang phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt bất thường, khiến nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm gia tăng.

Một loạt thông tin mang tính hỗ trợ trên đã là những yếu tố đưa giá dầu chủ yếu đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch trong tuần qua, bất chấp một số chỉ số kinh tế khá thất vọng tại Mỹ, trong đó trong phiên ngày thứ Tư (12/2), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong bốn tháng là 100,37 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm tới nay ở quanh mức 110 USD/thùng.

Đóng cửa phiên cuối tuần 14/2 trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 3/2014 chốt tuần ở mức 100,30 USD/thùng - xấp xỉ mức giá cao nhất trong bốn tháng vừa được lập trong phiên 12/2 (100,37 USD/thùng), và cao hơn mức chốt của cuối tuần trước nữa là 98,13 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2014 chốt tuần ở mức 109,08 USD/thùng, cũng cao hơn mức chốt của cuối tuần trước nữa là 108,01 USD/thùng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục