Mặc dù khởi đầu Năm mới không mấy thuận lợi khi đi xuống ngay trong phiên giao dịch ngày 3/1 vừa qua, song giá dầu thế giới đã phục hồi ở cả ba phiên liền sau đó, giúp thị trường này ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.
Việc đồng USD bật tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002 đã khiến dầu xuống giá ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm nay (ngày 3/1).
Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã đảo chiều tăng gần 2% trong phiên giao dịch sau đó, trước kỳ vọng rằng lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và những dấu hiệu cho thấy các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã nhất trí trước đó.
Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong phiên 5/1 vừa qua, khi một nguồn thông tin thân cận ở vùng Vịnh cho hay Saudi Arabia đang tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác ít nhất 486.000 thùng mỗi ngày xuống 10,06 triệu thùng/ngày trong tháng Một này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/1, giá dầu vẫn được đà đi lên, song sức tăng phần nào bị hạn chế bởi đồng USD mạnh lên.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng Hai tới tăng 23 xu Mỹ (0,4%) lên 53,99 USD/thùng.
Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2017 cũng tiến 21 xu Mỹ (0,4%), lên 57,10 USD/thùng.
Như vậy, tính chung cả tuần giao dịch ngắn ngày do nghỉ lễ vừa qua, giá hai loại dầu chủ chốt này đồng loạt tăng khoảng 0,5%.
Giá “vàng đen” đã tăng khoảng 23% kể từ giữa tháng 11/2016 đến nay. Riêng trong tháng 12/2016, giá mặt hàng này đã tăng gần 9%. Điều này cũng trở thành một mối lo ngại cho giới đầu tư khi cho rằng các nhà sản xuất dầu không tham gia vào thỏa thuận kiềm chế nguồn cung, trong đó có Mỹ và Lybia, sẽ đẩy mạnh sản xuất nhằm kiếm lợi từ đà tăng của giá dầu.
Báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes vừa công bố ngày 6/1 cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng thêm 4 giàn, lên 529 giàn, đánh dấu 10 tuần đi lên liên tiếp.
Điều này càng khiến các thành viên OPEC thêm hoài nghi vào những lợi ích mà họ thu được khi tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng./.