Giá dầu trên thị trường thế giới đi lên trong phiên giao dịch 13/2

Việc các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô của Nga và những lo ngại về nhu cầu ngắn hạn trước dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này đã đẩy giá dầu đi lên.
Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 13/2, hồi phục sau những tổn thất đầu phiên, khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô của Nga và những lo ngại về nhu cầu ngắn hạn trước dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này.

Kết thúc phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2023 tăng 22 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 86,61 USD/thùng, trong khi tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 42 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 80,14 USD/thùng.

Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group (Mỹ), cho biết: “Nền tảng cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn rất vững chắc. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng ta sẽ thấy nhu cầu năng lượng tăng cao hơn, trong khi nguồn cung từ Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chỉ đáp ứng được tương đương hoặc ít hơn, điều này sẽ làm tăng giá dầu."

[Nga nỗ lực giảm thiệt hại do mức giá trần dầu mỏ của phương Tây gây ra]

Cuối tuần trước, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hai tuần sau khi Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô khoảng 500.000 thùng mỗi ngày vào tháng Ba tới, tương đương khoảng 5% sản lượng, để đáp lại việc phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của nước này do liên quan tới tình hình tại Ukraine.

Bộ trưởng năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết OPEC và các nước đồng minh, một nhóm được gọi là OPEC+, sẽ không cần họp sớm hơn dự kiến vì thị trường đã cân bằng.

Cả hợp đồng dầu Brent và WTI đều tăng hơn 8% trong tuần trước, nhờ sự lạc quan về sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc sau khi các biện pháp kiềm chế COVID-19 bị dỡ bỏ vào tháng 12.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dẫn đến lo ngại rằng động thái này sẽ làm trì trệ hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

Ngoài ra, những lo ngại về nguồn cung đã được giải tỏa phần nào khi một chuyến hàng dầu thô Azeri khởi hành từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 13/2, chuyến hàng đầu tiên kể từ trận động đất kinh hoàng trong khu vực xảy ra vào ngày 6/2.

Ceyhan là kho dự trữ và điểm tải cho các đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan và Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục