Giá dầu trên thị trường châu Á giảm phiên thứ hai liên tiếp

Giá “vàng đen” giảm sau khi các nghiệp đoàn ngành dầu mỏ Na Uy và lãnh đạo các doanh nghiệp dầu mỏ đạt được thỏa thuận về tiền lương và các nhà sản xuất dầu của Mỹ nối lại hoạt động sản xuất.
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm 1% phiên thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu của Mỹ bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất sau khi bị gián đoạn bởi siêu bão Delta.

Thêm vào đó, cuộc biểu tình của lao động ngành dầu mỏ tại Na Uy kết thúc cũng giúp sản lượng dầu của nước này được khôi phục.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2020 giảm 42 xu Mỹ, xuống 40,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2020 cũng hạ 41 xu Mỹ, xuống 42,44 USD/thùng.

Tuần trước, giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 9% và ghi nhận mức tăng theo tuần mạnh nhất của dầu Brent kể từ tháng 6/2020.

Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã đảo chiều đi xuống trong phiên cuối tuần trước (ngày 9/10), sau khi các nghiệp đoàn ngành dầu mỏ Na Uy và lãnh đạo các doanh nghiệp dầu mỏ của nước này đã đạt được thỏa thuận về tiền lương.

[Giá dầu mỏ thế giới đã tăng hơn 9% trong tuần qua]

Động thái này đã chấm dứt chuỗi ngày đình công trong ngành dầu mỏ Na Uy, khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm 25%.

Trong khi đó, trận siêu bão Delta, cơn bão lớn nhất đổ vào Vịnh Mexico của Mỹ trong 15 năm qua đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần trước. Điều này giúp các nhà máy lọc dầu tại bang Texas nối lại hoạt động và khôi phục lại sản lượng.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của bão Delta, việc giá dầu dao động quanh khoảng 40 USD/thùng trong vài tháng qua đã khuyến khích các công ty năng lượng Mỹ tăng thêm các giàn khoan dầu và khí đốt trong tuần thứ tư liên tiếp vào tuần trước (kết thúc ngày 9/10).

Trong một diễn biến khác, sản lượng dầu mỏ ở Libya - một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - dự kiến sẽ tăng lên 355.000 thùng/ngày vào ngày 12/10, sau khi tình trạng bất khả kháng được dỡ bỏ ở mỏ dầu Sharara từ 11/10. Điều này sẽ nâng sản lượng của Libya trở lại mức khoảng 600.000 thùng/ngày.

Thị trường toàn cầu đang tập trung vào diễn biến và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 - sự kiện này có thể thay đổi chính sách năng lượng của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục