Giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống trong phiên chiều 27/6

Vào lúc 13 giờ 32 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ xuống 113,04 USD/thùng sau khi phục hồi tăng 2,8% trong phiên cuối tuần trước.
Giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống trong phiên chiều 27/6 ảnh 1Một cơ sở lọc dầu của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 27/6 khi giới đầu tư thận trọng trước khả năng diễn biến bất lợi xảy ra đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, vốn có thể đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Đức.

Cụ thể, vào lúc 13 giờ 32 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ xuống 113,04 USD/thùng sau khi phục hồi tăng 2,8% trong phiên cuối tuần trước.

Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 24 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống còn 107,38 USD/thùng sau khi tăng 3,2% trong phiên trước.

[Nguy cơ kinh tế suy thoái đẩy giá dầu châu Á giảm hơn 1 USD mỗi thùng]

Tuần trước, giá cả hai mặt hàng trên đều ghi nhận tuần giảm thứ hai giữa bối cảnh quyết định tăng lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt thúc đẩy đồng USD lên giá đồng thời đào sâu mối lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Viễn cảnh thị trường thắt chặt nguồn cung hơn nữa khi các nước phương Tây tìm siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, mặc dù các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn có thể dẫn đến việc Iran xuất khẩu nhiều dầu mỏ hơn.

Theo nhiều nguồn tin, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm cả Nga, còn được gọi là OPEC+, có khả năng sẽ tuân theo kế hoạch về sản lượng dầu trong tháng Tám khi nhóm họp vào ngày 30/6.

Tuy nhiên, hiện những lo ngại về nguồn cung cấp bách hơn so với khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái, sau nhiều số liệu cho thấy kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sụt giảm.

Trong các cuộc họp tuần này, nhà lãnh đạo các nước G7 dự kiến sẽ thảo luận về các phương án đối phó với đà tăng của giá năng lượng và thay thế lượng dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà không khiến lạm phát tăng cao.

Các biện pháp có thể bao gồm việc đưa ra giới hạn giá đối với các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga nhằm hạn chế doanh thu của “xứ Bạch dương” trong khi giảm thiệt hại cho các nền kinh tế khác.

G7 cũng sẽ thảo luận về triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran sau khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu gặp các quan chức cấp cao ở Tehran để cố gắng khai thông các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.

Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo G7 đang thúc đẩy việc thừa nhận về sự cần thiết của nguồn tài chính mới để đầu tư vào năng lượng hóa thạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục