Giá dầu trên đà đạt mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 2009

Giá dầu vẫn hướng tới mức tăng hằng năm lớn nhất trong 12 năm nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì đại dịch COVID-19 và kế hoạch kiềm chế sản lượng của OPEC.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy đi xuống trong chiều 31/12, giá dầu vẫn hướng tới mức tăng hằng năm lớn nhất trong 12 năm nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì đại dịch COVID-19 và kế hoạch kiềm chế sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Phiên này trên thị trường châu Á, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ xuống 79,50 USD/thùng vào lúc 14 giờ 18 phút (theo giờ Việt Nam).

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 10 xu Mỹ (0,1%) xuống 76,89 USD/thùng.

[Giá dầu thế giới tăng nhẹ phiên 30/12 trước thềm cuộc họp của OPEC+]

Sau khi tăng trong vài ngày gần đây, giá dầu đã chững lại vào ngày 31/12 khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt lên mức cao mới trên toàn cầu, từ Australia đến Mỹ do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Dù vậy, dầu Brent đang trên đà kết thúc năm với mức tăng giá 53%, trong khi giá dầu WTI đang hướng tới mức tăng 58%.

Đây đều là những mức tăng mạnh nhất đối với hai loại dầu tiêu chuẩn này kể từ năm 2009, khi giá của chúng tăng hơn 70%.

Dầu Brent và WTI đều chạm đỉnh vào tháng 10/2021, với dầu Brent ở mức 86,70 USD/thùng - cao nhất kể từ năm 2018 trong khi dầu WTI xác lập mức cao của bảy năm là 85,41 USD/thùng.

Giới chuyên gia dự kiến giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, khi nhu cầu nhiên liệu máy bay phục hồi.

Chuyên gia kinh tế trưởng Craig James của công ty môi giới đầu tư CommSec (Australia) cho hay bất chấp một loạt yếu tố bất lợi, như các biến thể virus mới của COVID-19 cùng các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch, nhu cầu về dầu vẫn tương đối ổn định.

Điều này có thể do nhu cầu đi lên nhờ tác động của các biện pháp kích thích kinh tế mùa dịch, trong khi nguồn cung bị hạn chế.

Với giá dầu dao động gần ngưỡng 80 USD/thùng, các nguồn thạo tin cho hay OPEC cùng Nga và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) có thể sẽ bám sát kế hoạch bổ sung 400.000 thùng dầu/ngày vào tháng Hai tại cuộc  họp ngày 4/1/2022 tới.

Ông James nhận địch OPEC+ sẽ chịu nhiều áp lực để đảm bảo cung cấp đủ dầu ra thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục