Giá dầu tiếp tục trượt dốc trong phiên 24/7 bất chấp một vài số liệu kinh tế đáng khích lệ từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, do nhà đầu tư vẫn dè dặt trước những căng thẳng tại Ukraine và khu vực Trung Đông.
Đóng cửa phiên 24/7 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Chín năm nay giảm 1,05 USD xuống chốt phiên ở 102,07 USD/thùng, trong khi tại London giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 96 xu Mỹ xuống chốt phiên ở 107,07 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ dường như không phản ứng gì trước một số thông tin kinh tế tích cực đến từ các nền kinh tế lớn, trong đó tại Mỹ, lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong tám năm.
Còn tại Trung Quốc, số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC công bố ngày 24/7 cho biết chỉ số đo hoạt động công nghiệp (PMI) tại nước này trong tháng Bảy đã tăng vọt lên mức 52 (so với mức 50,7 của tháng Sáu vừa qua) - mức cao nhất trong 18 tháng trở lại đây.
Tương tự, tại Khu vực Eurozone, một điều tra mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Markit cũng cho thấy chỉ số PMI của khối 18 quốc gia thành viên Eurozone đã tăng từ mức 52,8 trong tháng Sáu lên mức 54 trong tháng Bảy này.
Theo một số nhà phân tích, những thông tin tích cực này không đủ để nâng giá dầu lên.Thị trường đang "nghỉ lấy hơi" sau nhiều phiên tăng giá trước đó nhờ được hậu thuẫn từ những căng thẳng địa chính trị gần đây tại những khu vực đang diễn ra xung đột và khủng hoảng.
Nhà phân tích Carl Larry thuộc Oil Outlooks & Opinions gọi đây giai đoạn của "một thị trường nghi ngờ và thận trọng," trong đó các nhà giao dịch tận dụng cơ hội tranh thủ chốt lời.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Andrey Kryuchenkov cho rằng nhà đầu tư chắc chắn là vẫn đang dõi theo những diễn biến địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông và giá dầu khó mà tăng được nếu không có yếu tố đe dọa về nguồn cung.
Cùng ngày, giá xăng bán buôn tại thị trường New York (NYMEX) chốt phiên cũng giảm 2 xu xuống 2,84 USD/gallon (1 gallon=3,78 lít)./.