Giá dầu tiến tới ngưỡng 100 USD mỗi thùng khi lạm phát cao kỷ lục

Với sản lượng bị hạn chế, dự trữ thấp và các vấn đề địa chính trị ở một số khu vực sản xuất, giá dầu đang tiến đến mốc 100 USD/thùng, mức mà ngân hàng Goldman Sachs dự báo sẽ đạt được vào giữa năm.
Giá dầu tiến tới ngưỡng 100 USD mỗi thùng khi lạm phát cao kỷ lục ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát cao kéo dài có thể trở thành một vấn đề lớn hơn cho các ngân hàng trung ương trước khả năng giá dầu vượt mức 100 USD/thùng, điều sẽ khiến giá tiêu dùng tăng và gây thêm sức ép tăng lương.

Giá dầu Brent đã tăng 50% trong năm 2021 và tăng thêm 14% kể từ đầu năm nay 2022, lên mức cao kỷ lục bảy năm là 89 USD/thùng.

Với sản lượng bị hạn chế, dự trữ thấp và các vấn đề địa chính trị ở một số khu vực sản xuất, giá dầu đang tiến đến mốc 100 USD/thùng, mức mà ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo sẽ đạt được vào giữa năm nay.

[Giá dầu thế giới phiên 18/1 chạm mức cao nhất của 7 năm]

Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan (Mỹ) nhận định giá dầu có thể đạt đến 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm tới.

Lãi suất đã tăng tại các nước như Vương quốc Anh và Na Uy, và kế hoạch của ngân hàng trung ương các nước như Mỹ, với kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ có thể được đưa ra trong tuần tới, đã hạn chế tác động từ việc giá dầu tăng đến các dự báo lạm phát.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tác động tâm lý khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng là không nhỏ, nhất là khi người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo lo ngại trước việc lạm phát ở mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ.

Lạm phát tại Mỹ vào tháng 12/2021 là 7%, mức cao nhất trong 40 năm. Số liệu công bố ngày 19/1 cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại Anh ở mức cao nhất trong 30 năm, khi giá năng lượng tăng kéo giá thực phẩm và dịch vụ tăng theo.

Nếu giá dầu chạm mức 100 USD/thùng và duy trì ở mức này, các tính toán của các nhà hoạch định chính sách sẽ bị xáo trộn.

Các dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu giả định giá dầu Brent ở mức 77,5 USD/thùng trong năm 2022 và giảm xuống 69,4 USD/thùng vào năm 2024.

Điều quan trọng là giá dầu tăng cũng có thể khiến các doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm hoặc người lao động yêu cầu mức lương cao hơn.

Những tác động như vậy sẽ gây ra vòng xoáy lạm phát, làm gia tăng sức ép buộc các ngân hàng trung ương phải hành động.

Những tác động sẽ khác nhau giữa các nước, nhưng với Khu vực sử dụng đồng euro, giá dầu tăng sẽ làm tăng lạm phát gần 0,5%, dù những tác động trực tiếp sẽ nhanh chóng giảm đi.

Đối với Mỹ, hai nhà nghiên cứu thuộc chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Dallas ước tính kịch bản giá dầu ở mức 100 USD/thùng đã làm tăng lạm phát giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân hàng năm 1,8 điểm phần trăm vào cuối năm 2021 và thêm 0,4 điểm phần trăm vào cuối năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục