Tại thị trường Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 12/11, giá vàng đã đổi chiều đi xuống trước sự giảm giá của dầu thô và sự tăng giá của đồng USD.
Tại sàn COMEX của Mỹ giá vàng giao ngay đã giảm 0,5% xuống còn 1.158,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2014 giảm 3,9 USD xuống còn 1.159,1 USD/ounce, với khối lượng giao dịch lớn hơn 20% so với khối lượng giao dịch trung bình trong 30 ngày, theo số liệu của Reuters.
Do tuần này Mỹ không công bố các số liệu kinh tế mới nên thông tin về thị trường tiền tệ và năng lượng đã được các nhà đầu tư vàng sử dụng như tín hiệu để định hướng giao dịch.
Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm xuống ngưỡng thấp 80 USD/thùng do lo ngại về tình trạng “cung vượt cầu” và giá trị “đồng bạc xanh” tăng 0,3% so với các tiền tệ chủ chốt khác.
Những nhân tố đó đã khiến vàng trượt giá. Ngoài ra, thông tin Ngân hàng Thụy Sĩ UBS đang bị Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thuỵ Sĩ (FINMA) điều tra do liên quan đến hành vi thao túng thị trường kim loại quý cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng.
Vốn được xem như một loại tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn, nhưng sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ đã đẩy giá trị "đồng bạc xanh" lên gần mức đỉnh trong bốn năm, qua đó khiến vàng đánh mất ưu thế của mình.
Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đang “rục rịch” tăng lãi suất sớm do sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Động thái đó có khả năng gây áp lực khiến vàng sẽ tiếp tục trượt giá.
Tại thị trường châu Á, sáng ngày 13/11, vào lúc 7 giờ 46 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại - Singapore vẫn giữ nguyên ở mức 1.159,86/ounce, sau khi đã giảm 0,3% trong phiên giao dịch trước đó.
Lượng vàng do SPDR Gold Trust - quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới - nắm giữ đã giảm trong ngày thứ bảy liên tiếp với mức giảm 0,25% xuống 722,67 tấn hôm 12/11./.