Giá dầu thô châu Á tăng hơn 1% trong phiên chiều 7/6 sau khi có thông tin rằng Washington có thể hoãn áp thuế đối với Mexico, bên cạnh các dấu hiệu cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác có thể gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Trên thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 79 xu Mỹ (1,3%) lên 62,46 USD/thùng vào lúc 13 giờ 41 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 65 xu (1,2%) lên 53,24 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên 6/6, giá dầu Brent và WTI đều tăng giá khá mạnh với mức tăng lần lượt là 1,7% và 1,8%, sau khi có thông tin Chính phủ Mỹ có thể hoãn áp thuế đối với hàng hóa Mexico giữa lúc hai nước đang tiến hành đàm phán.
Tuy nhiên, việc giá hai loại dầu này lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2019 trong phiên ngày thứ Tư (5/6) khiến cả Brent và WTI phải ghi nhận xu hướng suy giảm chung theo tuần với mức mất giá lần lượt là 3% và 0,5%.
[Giá dầu thế giới tăng hơn 2% sau khi rơi xuống "đáy" gần 5 tháng]
Xét tổng thể, dường như sự quan tâm của thị trường đối với mặt hàng “vàng đen” vẫn khá yếu khi xuất hiện những dấu hiệu mới cho thấy kinh tế toàn cầu đang đình trệ, trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “tăng nhiệt.”
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ từ kế hoạch hạn chế nguồn cung dầu mà OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đang thực hiện.
Bên cạnh đó, nguồn cung của thị trường cũng bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu xuất khẩu từ Iran và Venezuela.
Tuy nhiên, đà tăng của giá "vàng đen" bị kiềm chế bởi sản lượng khai thác tiếp tục tăng cao tại Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 12,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 31/5, tăng 1,63 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2018.
Dự trữ dầu thương mại của Mỹ trong cùng thời gian này tăng tới 6,8 triệu thùng lên 483,26 triệu thùng - mức “đỉnh” kể từ tháng 7/2017./.