Trong phiên giao dịch ngày 19/3, giá dầu thế giới trượt giảm, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ đỏ sàn và nỗi lo dư cung vẫn đeo bám các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng mặc dù tình hình căng thẳng giữa Saudi Arabia với Iran là một nhân tố hỗ trợ giá dầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/3 trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2018 giảm 0,28 USD xuống 62,06 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent giao tháng 5/2018 cũng giảm 0,16 USD xuống 66,05 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật Brian LaRose thuộc United-ICAP cho rằng chứng khoán suy yếu là nhân tố thúc đẩy sự sụt giảm của thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày 19/3.
[Bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook kéo chứng khoán Âu-Mỹ giảm điểm]
Hầu hết các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 19/3. Tại Mỹ, vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook đã làm dấy lên những lo ngại về việc gia tăng các quy định kiểm soát các công ty công nghệ.
Trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 phiên này đều giảm 1,4%, lần lượt rơi xuống mức 24.610,91 điểm và 2.712,92 điểm.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng để mất 1,8% xuống khép phiên ở mức 7.344,24 điểm.
Sau khi vụ bê bối bị phát hiện, giá cổ phiếu của Facebook giảm 6,8%. Cổ phiếu của các “đại gia” ngành công nghệ khác như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), và Netflix cũng rớt giá.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm 4 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 16/3, lên 800 giàn, cao hơn nhiều so với con số 631 giàn cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ hoạt động khoan dầu được tăng cường, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 20% kể từ giữa năm 2016, lên 10,38 triệu thùng/ngày, vượt mức sản lượng của Saudi Arabia, và được dự đoán sẽ soán ngôi nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới của Nga trong năm nay.
Cùng với Mỹ, sản lượng dầu đang gia tăng của Canada and Brazil đang lấn át những nỗ lực cắt giảm sản lượng và hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Nhiều nhà phân tích dự đoán tình trạng dư cung sẽ sớm quay lại các thị trường dầu trên toàn cầu trong năm nay./.