Giá dầu thô đi lên trên thị trường châu Á nhờ OPEC giảm nguồn cung

Trong phiên giao dịch chiều 10/4, giá dầu thô tại thị trường châu Á đi lên, nhờ chương trình cắt giảm nguồn cung của OPEC và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.
Giá dầu thô đi lên trên thị trường châu Á nhờ OPEC giảm nguồn cung ảnh 1Cận cảnh quá trình khai thác dầu. (Nguồn: Mining)

Trong phiên giao dịch chiều 10/4, giá dầu thô tại thị trường châu Á đi lên, nhờ chương trình cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được biết đến với cái tên OPEC+, và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.

Tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn chịu sức ép do đồn đoán kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

Vào lúc 13 giờ 52 giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent tăng 15 xu (0,2%) lên 70,76 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 22 xu (0,3%) lên 64,20 USD/thùng. Trong phiên ngày 9/4, cả hai loại dầu này đều đã chạm mức cao nhất trong 5 tháng.

Trong năm nay, thị trường dầu mỏ đã thắt chặt hơn, do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, Venezuela cũng như chương trình cắt giảm nguồn cung của OPEC+. Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent và dầu WTI đã tăng lần lượt 30% và 40%.

Ngân hàng ING nhận định thị trường dầu mỏ đang hướng đến sự cân bằng, nhờ chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Sản lượng dầu mỏ của OPEC trong tháng 3/2019 đã giảm 1,98 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018.

[Giá dầu châu Á giao dịch gần mức cao nhất trong 5 tháng qua]

Theo ngân hàng ING, sản lượng dầu mỏ của Venezuela ước giảm từ 1,19 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2018 xuống 890.000 thùng/ngày trong tháng 3/2019, còn sản lượng dầu của Iran giảm từ 3,33 triệu thùng/ngày xuống 2,71 triệu thùng/ngày, do lệnh trừng phạt.

Mức giảm từ hai quốc gia này đóng góp gần 47% mức giảm sản lượng của OPEC. Ngân hàng ANZ dự báo giá dầu Brent sẽ được đẩy lên ngưỡng 79 USD/thùng.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại những lo ngại rằng sự giảm tốc kinh tế sẽ sớm tác động đến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen.”

Ngày 9/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%.

Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục