Giá dầu thị trường thế giới đi xuống theo đà giảm trên Phố Wall

Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Bảy giảm 39 xu Mỹ xuống còn 70,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 62 xu Mỹ và chốt phiên ở mức 61,04 USD/thùng.
Giá dầu thị trường thế giới đi xuống theo đà giảm trên Phố Wall ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở ngoại ô Baku, Azerbaijan, ngày 19/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu thế giới đi xuống cùng với đà giảm trên Phố Wall, khi những diễn biến liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung gây hoang mang cho giới đầu tư.

Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Bảy giảm 39 xu Mỹ xuống còn 70,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 62 xu Mỹ và chốt phiên ở mức 61,04 USD/thùng.

Giá dầu phiên này chịu áp lực từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như các loại tài sản rủi ro khác, khi giới đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ của Mỹ trước sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới.

Theo hãng tin Bloomberg, thông báo ngày 13/5 trên trang web của Chính phủ Trung Quốc cho biết gần 2.500 hàng hóa Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%.

Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ áp đặt mức thuế mới với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Phản ứng trên được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10/5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD.

Trước đó trong phiên, giá dầu đã tăng hơn 1 USD/thùng sau khi Saudi Arabia ngày 13/5 cho biết hai tàu chở dầu của quốc gia này đã bị "tấn công phá hoại" ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trước đó, ngày 12/5, Bộ Ngoại giao UAE thông báo có bốn tàu thương mại đã bị tấn công phá hoại ở vùng biển gần lãnh hai nước này tại Vịnh Oam, phía Đông cảng Fujairah, nơi được xem là có vị trí chiến lược, án ngữ các tuyến vận tải biển ở Vịnh Pécxích. Khoảng một phần ba lượng dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển đường biển đi qua eo biển này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục