Giá dầu thế giới "vọt" lên mức cao nhất trong hơn hai tháng

Giá dầu thế giới bật tăng trong phiên giao dịch đầu tuần (18/5), chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng qua, nhờ kết quả tích cực ban đầu trong việc phát triển vắcxin phòng dịch COVID-19.
Giá dầu thế giới "vọt" lên mức cao nhất trong hơn hai tháng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu thế giới bật tăng trong phiên giao dịch đầu tuần (18/5), chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng qua, nhờ kết quả tích cực ban đầu trong việc phát triển vắcxin phòng dịch COVID-19, cũng như sự lạc quan của thị thường về việc nối lại các hoạt động kinh tế và nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 2,39 USD (8,1%), lên 31,82 USD/thùng. Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biến Bắc giao tháng 7/2020 cũng tiến 2,31 USD (7,1%), lên 34,81 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất của giá dầu WTI và dầu Brent kể từ ngày 11/3/2020, vài ngày sau khi giá "vàng đen" lao dốc do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được hỏa thuận chung về việc cắt giảm sản lượng.

[Giá dầu châu Á chiều 15/5 vẫn áp sát mức cao nhất trong hơn 1 tháng]

Trong nửa đầu tháng Năm, OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu, cho thấy sự khởi đầu thuận lợi trong nỗ lực thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới.

OPEC+ nhất trí giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/50. Trong khi đó, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - tuyên bố sẽ cắt giảm thêm một triệu thùng dầu/ngày từ tháng Sáu tới.

Tại Mỹ, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ đã giảm 34 giàn xuống còn 258 giàn trong tuần trước. Như vậy, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã gần 60% từ mức đỉnh gần đây ghi nhận hồi tháng 3/2020.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết đà tăng của thị trường dầu mỏ trong phiên này còn được hỗ trợ bởi bởi kết quả thử nghiệm tích cực ban đầu liên quan một loại vắcxin phòng chống COVID-19 cũng như các báo cáo cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc gần như quay về mức trước khi dịch bệnh bùng phát .

Trong khi đó, việc ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các lệnh phong tỏa xã hội cũng làm bừng lên hy vọng về sự gia tăng nhu cầu nhiên liệu trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục