Trong phiên giao dịch ngày 13/8, giá dầu thế giới tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay sau khi Mỹ thông báo sẽ hoãn việc áp thuế 10% đối với một số sản phẩm Trung Quốc.
Thông báo trên của Mỹ làm nhiều nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu ảnh hưởng tới thị trường trong những tháng gần đây.
Các sản phẩm Trung Quốc được Mỹ lùi thời hạn áp thuế tới 15/12 thay vì 1/9 tới gồm có máy tính xách tay và điện thoại di động.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 2,73 USD (hay 4,7%) lên 61,30 USD/thùng. Đây là mức tăng theo ngày lớn nhất của dầu Brent giao kỳ hạn từ tháng 12/2018 đến nay. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,17 USD (hay 4%) lên 57,10 USD/thùng.
[Le Monde: Thị trường dầu mỏ đứng trước nguy cơ khủng hoảng]
Giá dầu giảm nhẹ sau khi số liệu cuối tuần qua của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng so với dự báo trước đó của các chuyên gia.
Theo API, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 3,7 triệu thùng lên 443 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 2,8 triệu thùng của nhiều chuyên gia.
Ngoài việc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu mỏ tăng lên do kỳ vọng dự trữ dầu thô Mỹ giảm trong tuần qua và khả năng Saudi Arabia sẽ duy trì việc cắt giảm khai thác dầu mỏ.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thông báo kế hoạch duy trì mức dầu thô xuất khẩu dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng Tám và tháng Chín năm nay nhằm giúp giảm lượng dầu dự trữ trên toàn cầu.
OPEC cùng với các nước đồng minh, còn được gọi OPEC+, đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019.
Tuy nhiên, việc bùng nổ khai thác dầu thô đá phiến ở Mỹ đã cản trở nỗ lực hạn chế nguồn cung năng lượng toàn cầu, qua đó gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu mỏ./.