Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 31/5, với giá dầu Brent giao dịch gần mức 70 USD/thùng nhờ tâm lý ngày càng lạc quan rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong quý tới, trong khi giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh trong tuần này.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 60 xu Mỹ (0,9%) lên 69,32 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 0,9% lên 66,91 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI cùng đều ghi nhận tháng tăng giá thứ hai liên tiếp.
Thị trường giao dịch diễn ra thưa thớt trong phiên này do thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ.
Giới chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ vượt xa so với khả năng nguồn cung, bất chấp khả năng Iran có thể xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ trở lại.
Iran tiến hành đàm phán với các cường quốc trên thế giới kể từ tháng Tư, về những bước đi mà Tehran và Washington cần phải thực hiện trong các biện pháp trừng phạt và hoạt động hạt nhân để trở lại tuân thủ đầy đủ hiệp ước hạt nhân năm 2015.
OPEC và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga, sẽ nhóm họp vào ngày 1/6. Dự kiến, OPEC và các đồng minh, còn được gọi OPEC+, sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thu hẹp dần chương trình cắt giảm nguồn cung cho đến tháng Bảy.
Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+ giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới cho năm 2021 vào khoảng 6 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 14,3% trong tháng Ba. Số liệu cuối tuần qua từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cũng cho thấy số giàn khoan dầu khí hoạt động đã tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tuần trước đó.
[Giá dầu thế giới tăng trước triển vọng nhu cầu nhiên liệu quý 3]
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh ngày 31/5 cho rằng nước này nên tăng gần gấp ba sản lượng dầu thô như một "ưu tiên" để tăng cường ảnh hưởng của mình.
Phát biểu trên của ông Zanganeh được đưa ra một ngày trước khi diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+.
Giữa lúc Iran đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 18/6 tới, ông Zanganeh kêu gọi "bất kỳ chính quyền sắp tới nào của Iran cũng nên coi việc nâng sản sản lượng dầu thô lên 6,5 triệu thùng/ngày là ưu tiên hàng đầu." Theo số liệu mới nhất của OPEC, Iran đã sản xuất 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2021.
Các nhà sản xuất thuộc OPEC+, trong đó có Iran và 10 nhà xuất khẩu dầu khác, sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 1/6. Tại cuộc họp này, OPEC+ có thể cân nhắc quyết định nâng sản lượng khai thác khi nhu cầu dần phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm ngoái trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Ông Zanganeh, người giữ cương vị Bộ trưởng Dầu mỏ Iran trong gần 16 năm qua, cho biết ông có kế hoạch nghỉ hưu sau khi Tổng thống Hassan Rouhani rời nhiệm sở vào tháng Tám. Người dân Iran sẽ đi bỏ phiếu để bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 18/6.
Iran hiện cũng đang tham gia vào tiến trình đàm phán với các cường quốc thế giới tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018.
Các cuộc đàm phán đã được tiến hành kể từ tháng 4/2021 nhằm đưa Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời đưa Tehran trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa hạt nhân.
Các biện pháp trừng phạt do Mỹ tái áp đặt đã tước đi các lợi ích kinh tế của Iran mà thỏa thuận hạt nhân đã cam kết. Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran đồng thời cản trở Tehran tiếp cận các nguồn vốn của mình ở nước ngoài./.