Giá dầu thế giới tăng khi dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm

Giá dầu Brent giao tháng 7/2020 tại thị trường London (Anh) tăng 1,1 USD lên 35,75 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) tăng 1,53 USD lên 33,49 USD/thùng.
Tại một trạm xăng ở Rzeszow, Ba Lan, ngày 23/3/2020. (Nguồn: PAP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng trong phiên 20/5 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần qua, song đà đi lên của giá dầu bị hạn chế phần nào bởi những quan ngại về hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và lợi nhuận thấp của các công ty lọc dầu.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2020 tại thị trường London (Anh) tăng 1,1 USD (3,2%) lên 35,75 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) tăng 1,53 USD (4,8%) lên 33,49 USD/thùng.

[Góc nhìn toàn cảnh về tương lai của ngành dầu mỏ]

Giá dầu giao kỳ hạn đã có sự hồi phục sau những tuần suy giảm gần đây, khi sản lượng dầu giảm nhanh hơn dự kiến, góp phần giảm bớt tình trạng dư cung dầu.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5 triệu thùng/ngày trong tuần qua, trong khi lượng dầu dự trữ tại kho chứa dầu ở Cushing, Oklahoma, giảm 5,6 triệu thùng.

Theo nhà phân tích cao cấp Phil Flynn của Price Futures Group, số liệu trên cho thấy tình trạng “cạn” công suất dự trữ dầu hầu như sẽ không xảy ra.

Trong khi đó, Gene McGillian, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường của Tradition Energy, cho rằng cần có thêm các dấu hiệu cho thấy việc tái cân bằng cán cân cung cầu trên thị trường dầu đang diễn ra, trong đó chủ yếu là sự gia tăng nhu cầu dầu.

Continental Resources, một trong những công ty sản xuất dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ, ngày 20/5 đã hối thúc các cơ quan quản lý năng lượng North Dakota can thiệp vào thị trường dầu thông qua các biện pháp như hạn chế sản lượng dầu.

Sản lượng dầu tại North Dakota đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày và cùng với việc cắt giảm sản lượng dầu ở Texas cũng như các địa phương khác của Mỹ đã góp phần hỗ trợ giá "vàng đen."

Nhu cầu nhiên liệu đã tăng khi các nước bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa được áp dụng trước đó để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Số liệu thống kê cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh đang tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, những quan ngại về hậu quả kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, nhất là tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đã hạn chế đà tăng của giá dầu.

Theo biên bản cuộc họp ngày 28-29/4 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố ngày 20/5, các quan chức Fed đã nhắc lại cam kết nỗ lực tối đa để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục