Giá dầu thế giới tăng hơn 2%, chạm mức cao nhất trong 13 tuần

Khép lại phiên 8/6, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,01 USD, hay 2,5%, lên 123,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,7 USD, hay 2,3% và đóng phiên ở mức 122,11 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng hơn 2%, chạm mức cao nhất trong 13 tuần ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Houston, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% lên mức cao nhất 13 tuần qua trong phiên 8/6 do nhu cầu xăng tại Mỹ tiếp tục gia tăng bất chấp giá cao kỷ lục, trong khi vẫn còn những lo ngại về nguồn cung tại nhiều nước, trong đó có Iran.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,01 USD, hay 2,5%, lên 123,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,7 USD, hay 2,3% và đóng phiên ở mức 122,11 USD/thùng. Đây là các mức đóng phiên cao nhất với cả dầu Brent và WTI kể từ ngày 8/3.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dầu thô trong Kho xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong tuần trước khi lượng đầu vào của các công ty lọc dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

[Bộ trưởng Năng lượng UAE: Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng cao hơn]

Lượng xăng dự trữ của Mỹ cũng giảm mạnh 800.000 thùng, do nhu cầu tăng bất chấp giá cao.

Ông Tony Headrick, chuyên gia phân tích thị trường dầu của công ty CHS Hedging, nhận định sự sụt giảm trong lượng xăng dự trữ cho thấy thị trường đang thắt chặt trên khắp nước Mỹ, và nhu cầu sẽ vẫn cao kể cả khi giá xăng đang ở mức trên 5 USD/gallon (3,78 lít) ở nhiều nơi tại nước này.

Trong khi đó, giới giao dịch dầu dự đoán nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ phục hồi khi tình trạng phong tỏa được nới lỏng, từ đó càng khiến sự mất cân bằng cung cầu trên thị trường thêm nghiêm trọng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa Đông tới.

Về phía cung, giới giao dịch cho biết nhiều nước đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng. Iran cho biết họ đã tháo dỡ hai camera giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại các cơ sở hạt nhân của nước này. Động thái diễn ra chỉ vài giờ trước khi cơ quan này thông qua nghị quyết chỉ trích Tehran thiếu hợp tác.

Bước đi mới của Iran được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, và có thể sẽ khiến các lệnh trừng phạt với nước này được duy trì lâu hơn.

Còn tại Na Uy, nhiều công nhân dầu dự định sẽ biểu tình từ ngày 12/6 về vấn đề tiền lương, khiến sản lượng dầu thô của nước này có nguy cơ giảm xuống.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho biết các nỗ lực gia tăng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, chưa “đáng khích lệ” khi sản lượng của nhóm này hiện vẫn thấp hơn mức mục tiêu đến 2,6 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục