Giá dầu thế giới tăng do nhu cầu mạnh ở một số nước khu vực châu Á

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng lên 84,81 USD/thùng do khả năng Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế, nhu cầu mạnh ở phần còn lại của châu Á và dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm.
Giá dầu thế giới tăng do nhu cầu mạnh ở một số nước khu vực châu Á ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng trong phiên chiều 11/4 do khả năng Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế, nhu cầu mạnh ở phần còn lại của châu Á và dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 63 xu Mỹ (0,8%) lên 84,81 USD/thùng vào lúc 15 giờ 40 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 68 xu Mỹ (0,9%) lên 80,42 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng thuộc trung tâm CMC Markets nhận định rằng chỉ số CPI tháng 3/2023 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều có thể thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc kích thích nền kinh tế hơn nữa.

Giá dầu thô kỳ hạn cũng tăng khi đồng USD giảm trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Đồng bạc xanh yếu khiến giá dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Dấu hiệu nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh trong tháng Ba ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cũng hỗ trợ giá dầu. Tháng trước, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước lên mức kỷ lục 4,83 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Về nguồn cung của Mỹ, số liệu dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (11/4). Năm nhà phân tích được hãng tin Reuters thăm dò ước tính trung bình dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/4.

[Nga giảm sản lượng dầu mỏ 700.000 thùng mỗi ngày trong tháng Ba]

Hồi đầu tháng 4, một loạt các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác, thường được gọi là OPEC+, ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng Hai cho tới cuối năm 2023.

Tuyên bố trên đánh dấu lần thứ hai Nga tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, với lần đầu tiên được Phó Thủ tướng Novak công bố hồi tháng 2/2023.

Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ra tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm tới cho đến hết năm 2023.

Cơ quan chức năng này khẳng định quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô này được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, và số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp thứ 33 ngày 22/10/2022 của OPEC+.

Chính phủ các nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục