Giá dầu thế giới tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong một tuần qua trong phiên giao dịch ngày 22/3, khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhẹ lãi suất, đồng thời phát đi tín hiệu có thể sẽ sớm dừng chu kỳ nâng lãi suất.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,37 USD, hay 1,8%, lên 76,69 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,23 USD, hay 1,8%, lên 70,90 USD/thùng. Đây là các mức đóng phiên cao nhất của cả hai loại dầu này kể từ ngày 14/3.
[Fed chính thức tăng lãi suất cho vay thêm 0,25 điểm từ 22/3]
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed ngày 22/3 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), nhưng cho biết sẽ sớm dừng việc nâng lãi suất trong tương lai trong bối cảnh bất ổn trong lĩnh vực tài chính sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank.
Sau quyết định trên của Fed, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/2 so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Thông tin từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này tăng 1,1 triệu thùng trong tuần trước lên mức cao nhất trong 22 tháng qua đã không ảnh hưởng nhiều đến thị trường dầu trong phiên này.
Tuần trước, giá dầu WTI và dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 trước lo ngại rằng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng có thể gây ra suy thoái toàn cầu và làm giảm nhu cầu dầu. Nhưng sự giải cứu khẩn cấp với ngân hàng Credit Suisse hồi cuối tuần qua đã hỗ trợ giá dầu.
Các nguồn tin thân cận cho hay Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể sẽ giữ nguyên thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho đến hết năm nay, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh./.