Giá dầu thế giới tăng 2%, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11

Giá dầu Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/11 - thời điểm có thông tin về biến thể mới của SARS-CoV-2, có khả năng lây lan nhanh khiến giá dầu "lao dốc."
Giá dầu thế giới tăng 2%, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu thế giới phiên 27/12 tăng hơn 2% lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11, khi thị trường hy vọng rằng biến thể Omicron chỉ tác động hạn chế đến nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,46 USD (tương đương 3,2%) lên 78,60 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 1,78 USD (2,4%) lên 75,57 USD/thùng.

Cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/11 - thời điểm các báo cáo cho biết về một biến thể mới lần đầu tiên xuất hiện có khả năng lây lan nhanh hơn, khiến giá dầu lao dốc hơn 10%. Kể từ đó, giá dầu đã dần phục hồi sau khi dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể này gây ra bệnh ở mức độ nhẹ hơn.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ tâm lý thị trường là việc Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Sajid Javid cùng ngày 27/12 khẳng định chính phủ nước này sẽ không đưa ra các hạn chế mới để phòng dịch COVID-19 trước khi kết thúc năm 2021.

Trong khi đó, hơn 1.300 chuyến bay đã bị các hãng hàng không Mỹ hủy vào Chủ nhật (26/12 giờ địa phương) do dịch COVID-19 khiến họ không có đủ số nhân viên cần có.

[Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể đạt mức cao kỷ lục trong 2022]

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết số ca mắc mới COVID-19 gia tăng đang gây ra sự gián đoạn đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa và dịch vụ do người lao động phải tự cách ly. Song ông cho rằng diễn biến này chỉ gây ra những căng thẳng ngắn hạn, với đà phục hồi toàn cầu cho năm 2022 vẫn đang đúng hướng.

Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn 50% - chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhu cầu cũng như kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (được gọi chung là OPEC+).

Hiện giới đầu tư đang dồn sự chú ý cho cuộc họp OPEC+ tiếp theo vào ngày 4/1. Tại cuộc họp tới, khối này sẽ quyết định có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2/2022 hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục